"Hãy sẵn sàng cho một cú nổ lớn của thị trường tài sản toàn cầu, bitcoin sẽ cán mốc 1 triệu USD chỉ trong vài năm tới". Đó không phải là lời tiên tri viển vông, mà là tuyên bố đanh thép của Arthur Hayes, đồng sáng lập BitMEX kiêm Giám đốc đầu tư của quỹ Maelstrom, tại hội nghị tiền số Token2049 ở Dubai. Cathie Wood, CEO của ARK Invest, thậm chí còn đưa ra con số gây sốc hơn, đó là bitcoin có thể đạt 1,5 triệu USD vào năm 2030.
Liệu đây có phải là "cơn mê sảng" giữa thị trường tăng giá, hay là viễn cảnh đang đến gần hơn bao giờ hết? Hãy cùng bóc tách 3 động lực lớn đang đẩy bitcoin vào "quỹ đạo tỷ đô" như những dự báo "gây sốc" kể trên.
Dòng tiền khổng lồ đang chờ chảy vào bitcoin
Arthur Hayes dự báo, một làn sóng thanh khoản mới từ Mỹ sắp sửa đổ bộ, đẩy toàn bộ thị trường tài sản lên tầm cao mới. Ông cho biết thị trường đang ở thời điểm giống quý III/2022 - thời kỳ mà chính phủ Mỹ đã âm thầm bơm ra 2.500 tỷ USD để "giải cứu" hệ thống tài chính.
Lần này, dòng tiền mới được dự đoán sẽ đến từ việc Mỹ mua lại trái phiếu, một hình thức gián tiếp bơm tiền vào nền kinh tế để ổn định thị trường trái phiếu. Và khi thanh khoản rẻ quay lại, bitcoin, vốn được xem là "vàng kỹ thuật số" của giới đầu tư mới, gần như chắc chắn sẽ là điểm đến ưu tiên.
Không chỉ Hayes, không ít nhà phân tích khác cũng chung nhận định. Standard Chartered dự báo giá bitcoin có thể đạt 200.000 USD cuối năm nay, trong khi các quỹ ETF tại Mỹ tiếp tục hút dòng vốn kỷ lục, làm tăng áp lực mua lên thị trường.

Đang có nhiều dự báo gây sốc về bitcoin (Minh họa: Watcher.Guru).
Bitcoin đang trở thành tài sản "không thể thay thế"
Một trong những "vũ khí bí mật" khiến giới đầu tư ngày càng tin vào đà tăng giá dài hạn của bitcoin chính là tính khan hiếm tuyệt đối. Tổng lượng cung bitcoin bị giới hạn ở 21 triệu BTC, trong đó đã có gần 19,8 triệu BTC đang lưu hành. Điều đó có nghĩa là chỉ còn khoảng 1 triệu BTC có thể được khai thác trong tương lai, và con số này sẽ được phân phối nhỏ giọt trong vài chục năm tới.
Đặc biệt, sau mỗi đợt halving (giảm một nửa bitcoin), tốc độ phát hành bitcoin lại chậm hơn. Đợt halving gần đây nhất vào tháng 4/2024 đã khiến lượng BTC mới tạo ra mỗi ngày giảm mạnh, trong khi nhu cầu từ các tổ chức đầu tư không ngừng tăng cao.
Thêm vào đó, một số quốc gia đang manh nha tích lũy bitcoin vào dự trữ ngoại hối. Các công ty lớn như MicroStrategy, Tesla, hay các quỹ như ARK Invest cũng đang gom mạnh với chiến lược "mua và giữ". Nếu chỉ cần 5-10% tài sản đầu tư toàn cầu (hiện khoảng 213.000 tỷ USD) chuyển sang bitcoin, thì việc đồng tiền số này đạt mốc 1 triệu USD với vốn hóa trên 20.000 tỷ USD là điều hoàn toàn khả thi.
Tâm lý thị trường đang bước sang trang mới
Không còn là một tài sản đầu cơ bị xem thường, bitcoin đang dần trở thành "hàng hóa chiến lược" trong mắt giới đầu tư tổ chức. Cathie Wood nhận định: "Bitcoin là loại tài sản duy nhất trên thế giới vừa có thể phòng hộ rủi ro hệ thống, vừa có tiềm năng tăng trưởng vượt trội. Rủi ro hiện tại thậm chí thấp hơn nhiều so với cổ phiếu công nghệ".
Theo ARK Invest, nếu bitcoin tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kép 58%/năm như hiện tại, giá sẽ đạt 1,5 triệu USD vào năm 2030 - tức tăng hơn 15 lần trong vòng 5 năm. Kịch bản này không viển vông khi xét đến thực tế là trong 5 năm qua, BTC đã tăng gần 950%.
Tất nhiên, con đường đi đến con số 1 triệu USD không hề bằng phẳng. Mức giá này đòi hỏi thị trường phải trải qua nhiều "bài kiểm tra" lớn về chính sách tiền tệ, địa chính trị và cả niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng nếu xu hướng tích lũy dài hạn, sự khan hiếm và dòng tiền tổ chức tiếp tục song hành, thì 1 triệu USD không còn là giấc mơ xa vời.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về khả năng bitcoin đạt mức giá 1 triệu USD trong khung thời gian ngắn như vậy.
Trang InvestingHaven cho rằng điều này không thực tế trước năm 2030, do các hạn chế về hiệu suất blockchain, quy định pháp lý và động lực thị trường. Ngoài ra, để đạt mức giá 1 triệu USD, bitcoin cần một sự gia tăng đáng kể trong việc chấp nhận từ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân, điều này có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến.