VinFast mới đây đã công bố sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo, khi công ty bước sang giai đoạn phát triển mới.
Ông Phạm Nhật Vượng - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vingroup, công ty mẹ của VinFast, sẽ chuyển từ vai trò Chủ tịch HĐQT VinFast sang vị trí Tổng Giám đốc VinFast, thay cho bà Lê Thị Thu Thủy. Ông Phạm Nhật Vượng cũng sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc Điều hành, còn bà Lê Thị Thu Thủy sẽ chuyển từ vai trò Tổng Giám đốc VinFast sang đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT.
Trên cương vị mới, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường.
Thay đổi này diễn ra trong bối cảnh VinFast ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ và đạt được những thành tựu kinh doanh ấn tượng trong những năm gần đây, đặc biệt là việc công ty đã thâm nhập thành công vào thị trường Bắc Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Do đó, HĐQT xác định đây là thời điểm thích hợp để sắp xếp lại vai trò của các thành viên lãnh đạo, nhắm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển kế tiếp.
Hồi tháng 9/2023, tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023 do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) tổ chức, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết hiện nay rất ít lãnh đạo doanh nghiệp lớn trực tiếp đi bán hàng, vì phải "hạ mình chiều khách".
Tuy nhiên, ở tuổi 67, Chủ tịch FPT chia sẻ rằng đến tận bây giờ ông vẫn duy trì công việc nặng nề nhất là đi bán hàng, đích thân "chào mời sản phẩm" để FPT trở thành đối tác của những tập đoàn nổi tiếng. Với kế hoạch phát triển chip bán dẫn của FPT, ông cho biết có lẽ sẽ phải trực tiếp gặp gỡ tất cả các công ty chip của Mỹ và thuyết phục.
"Tôi từng bay sang Nhật gặp một công ty 1 tiếng, sau đó lại ra tàu điện để đi gặp một công ty khác. Tôi kêu ca với nhân viên rằng tại sao ngày trước anh có 5 cuộc làm việc một buổi mà giờ còn 3. Họ bảo để giữ sức khỏe cho tôi, nhưng tôi không cần. Tôi muốn tiếp tục làm", ông Trương Gia Bình kể lại.
Đối với ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT, bán hàng chính là kỹ năng đưa ông vào đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn chỉ sau 15 tháng gia nhập.
Khi được hỏi về lợi thế để trở nên vượt trội so với các bạn đồng trang lứa, ngoài chăm chỉ làm việc, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng bản thân cũng có một số năng lực nhất định.
"Hồi xưa cùng đi bán hàng, bao giờ tôi cũng bán doanh thu gấp 3 lần người khác, vì tôi chăm hơn và luôn tìm cách. Ngay từ bé tôi đã luyện được việc đặt mình vào vị trí của khách hàng. Trong lúc bán, tôi suy nghĩ xem họ muốn gì, từ đấy đưa ra những quyết định.
Nhưng bán gấp 3 lần người khác thì tôi cũng chẳng lên làm lãnh đạo sớm thế. Tôi phát hiện ra nếu bán gấp 3 lần thì mình chỉ có thu nhập cao hơn và được khen thôi. Vì thế, tôi quyết định là làm sao để người khác bán hàng cho mình. Lúc đó, tôi đã thuyết phục được khoảng 50 công ty tin học ở Hà Nội bán hàng cho tôi. Như vậy, tôi sẽ bán được gấp 100 lần người khác", ông Tiến chia sẻ.
Cùng trong sự kiện Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023, Chủ tịch Tập đoàn PNJ Cao Thị Ngọc Dung cũng thể hiện tinh thần nhiệt huyết với công việc dù đã ở độ tuổi U70. Bà cho biết PNJ luôn đều đặn tái cấu trúc sau mỗi 5 năm, xuất phát từ tư duy phải luôn đổi mới.
"Ngày hôm nay, mặc dù như thế này, mình vẫn không tự hài lòng với chính mình và nghĩ rằng còn nhiều việc phải làm hơn nữa", nữ lãnh đạo 66 tuổi nhấn mạnh. "Nhiều lúc các bạn nói rằng công ty đang tốt, tại sao phải tái cấu trúc? Thực tế trong công ty hiện nay có mình tôi và một bạn nữa thuộc thế hệ cũ. Còn lại nghỉ hết vì mệt quá".
Đề cập tới những khó khăn khi đưa tư duy mới vào tổ chức, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết điều mà bà cùng các lãnh đạo PNJ đang học là "quên đi những gì mình đã làm", dũng cảm nhận ra những điều đã cũ cần từ bỏ.