Có rất ít người Mỹ có thể phù hợp được với motip câu chuyện kinh điển rags-to-riches (giàu có nhanh chóng từ sự đói rách), và người sáng lập của thương hiệu Chobani - Hamdi Ulukaya chính là một trong những nhân vật phù hợp với câu chuyện cổ điển này.
Hamdi Ulukaya, được mệnh danh là vua sữa chua, là người sáng lập thương hiệu sữa chua Hy Lạp nổi tiếng nhất nước Mỹ, Chobani. Ít ai biết rằng ông sinh ra trong một gia đình du mục chăn cừu ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông đến Mỹ chỉ với vỏn vẹn 3.000 USD trong túi.
Nhờ làm việc gian khổ, cộng với tầm nhìn và một chút may mắn, Ulukaya đã nỗ lực xoay sở để xây dựng được doanh nghiệp sữa chua tỷ USD trên đất Mỹ.
Có thể nói Ulukaya là ví dụ hoàn hảo cho sự thành công trong lối kinh doanh kiểu cũ. Tuy nhiên trong một cuộc trò chuyện với TED, ông tiết lộ quan điểm để thành công của chính mình khác biệt với quy tắc kinh doanh truyền thống.
Do không có đủ vốn, Ulukaya quyết định "đánh liều" đi vay tiền để khởi nghiệp. Ông mua một nhà máy sữa chua cũ vào năm 2005. Kể từ đó, Ulukaya phát triển công thức sữa chua lấy cảm hứng từ quê hương của mình.
Ông từng tuyên bố thẳng thừng rằng: "Các quy tắc có vẻ điển hình để thành công trong kinh doanh, nhưng đối với tôi chỉ là trò hề".
Dưới đây là những quy tắc ông liệt kê ra và những biện pháp ông dùng để thay thế cho chúng.
1. Doanh nghiệp tồn tại để tối đa hóa giá trị cổ đông? Câu trả lời là "Không!"
"Sách kinh doanh ngày nay nói rằng các doanh nghiệp tồn tại để tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông. Tôi nghĩ đó chính là ý tưởng hài hước nhất tôi từng nghe trong đời", Ulukaya cho biết.
Theo như ông, điều đầu tiên và quan trọng nhất của một doanh nghiệp không phải là kiếm tiền cho chủ sở hữu của họ, vậy thì rốt cuộc họ nên nhắm đến điều gì?
"Cái nhắm đến cuối cùng là yếu tố con người. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến chính nhân viên của mình trước", ông nhấn mạnh. Vì những người nhân viên chính là những người trụ cột cho sự thành công của công ty.
Năm 2016, Ulukaya đã thực hiện một hành động táo bạo khi chia cổ phần của mình cho 2000 nhân viên trong công ty.
"Một số người nói đó là PR. Một số người nói đó là một món quà. Và tôi nói: 'Đó không phải là một món quà' ... Họ đã kiếm được nó bằng tài năng và sự chăm chỉ", ông giải thích. Họ xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp cho hành động của mình.
2. Đừng hỏi cộng đồng có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi rằng bạn có thể làm những gì cho cộng đồng của mình
Trong một cuộc thi HQ2 của Amazon, các thành phố tham gia đã có một cuộc cạnh tranh xoay quanh vấn đề có thể cắt giảm bao nhiêu thuế và cung cấp bao nhiêu ưu đãi cho gã khổng lồ trực tuyến. Họ đã lấy ý kiến từ các cộng đồng khó khăn bằng việc phân phát tờ rơi.
Trong trường hợp này, Ulukaya tin rằng các công ty không nên tiếp cận cộng đồng để họ thu thập thông tin cho mình. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên đến các cộng đồng đang gặp khó khăn và hỏi: "Tôi có thể làm gì để giúp đỡ các bạn?"
"Hãy luôn tìm kiếm các cộng đồng mà bạn có thể tham gia một phần sức lực. Hãy hỏi rằng, cùng nhau, các bạn có thể làm gì cho nhân loại", Ulukaya khuyên.
Ông cũng nêu ra một ví dụ điển hình về sự "hồi sinh" của một cộng đồng người xung quanh nhà máy thứ hai của công ty ông ở vùng nông thôn Idaho để cho thấy rằng việc bạn nghĩ bạn có thể làm việc cho cộng đồng có thể mang lại lợi ích to lớn cho mọi người như thế nào.
3. Sếp của bạn không phải là hội đồng quản trị, đó là người tiêu dùng
"Sách báo ngày nay thường nói rằng CEO phải báo cáo với hội đồng quản trị. Theo tôi, CEO nên báo cáo với những người tiêu dùng", Ulukaya chia sẻ. Ông cho biết bản thân rất coi trọng vấn đề này, trong những ngày đầu của Chobani, số điện thoại trên mỗi bình sữa chua là đường dây cá nhân của chính ông. Điều này giúp khách hàng hoàn toàn có thể gọi điện thoại cho CEO để trò chuyện.
"Người tiêu dùng là người nắm quyền. Đó là nguyên tắc để kinh doanh tồn tại", ông nhắc nhở các nhà doanh nhân.
Mặc dù tất cả nghe có vẻ khá duy tâm, nhưng Ulukaya khẳng định nó chính là một công thức cho một loại thành công thực sự, một loại thành công sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn (và rõ ràng vẫn rất có lợi nhuận).
"Nếu bạn làm đúng với con người của bạn, nếu bạn làm đúng với cộng đồng của bạn, nếu bạn làm đúng với sản phẩm của mình, bạn sẽ có nhiều lợi nhuận hơn, sáng tạo hơn và bạn sẽ có nhiều người đam mê làm việc cho bạn và cộng đồng luôn hỗ trợ bạn, bạn sẽ gặt hái được thành công đáng kể", ông kết luận.
Tổng hợp