Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Khu vực này chính là mảnh đất tạo nên những tỷ phú USD của Việt Nam. Nếu như năm 2013, Việt Nam mới chỉ có duy nhất tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt vào danh sách bình chọn của tạp chí Forbes thì đến năm 2021 con số này đã lên tới 6.
6 tỷ phú đô la nổi tiếng
Quay lại thời điểm năm 2013 khi lần đầu được tạp chí Forbes nêu tên trong danh sách tỷ phú thế giới, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng ở vị trí 974 với tài sản 1,5 tỷ đô la Mỹ. Đến năm 2021 theo số liệu Forbes, ông Vượng đã vươn lên vị trí 344 với 7,3 tỷ USD. Tuy nhiên con số cập nhật đến thực tế tại thời điểm ngày 15/11/2021 giá trị vốn hóa tài sản trên sàn chứng khoán của vị tỷ phú này là 9,04 tỷ USD. Tập đoàn của Vingroup được ông Vượng gây dựng từ ngành bất động sản và hiện đang đặt cược lớn vào ngành sản xuất ô tô.
Người thứ 2 được vào danh sách tỷ phú của Forbes là Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo với 2,8 tỷ USD. Bà Thảo là nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet Air cũng như tập đoàn Sovico. Tuy nhiên thực tế do những biến động giá cổ phiếu Vietjet trong năm 2021, tài sản của nữ tỷ phú này tại ngày 15/11 tương đương 1,47 tỷ đô la. Nhiều vị tỷ phú khác đã vượt bà chủ Vietjet Air về giá trị tài sản.
Forbes xếp tỷ phú Trần Đình Long vị trí thứ 3 với 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên với sự bùng nổ của cổ phiếu Hòa Phát trong thời gian vừa qua, ông Long hiện sở hữu khối tài sản 63.685 tỷ đồng, tương đương 2,82 tỷ đô la Mỹ. Tập đoàn thép Hòa Phát hiện đã vươn đến tầm khu vực Asean và đặt mục tiêu lọt top của những doanh nghiệp thép lớn nhất tại châu Á.
Tỷ phú Hồ Hùng Anh được xếp hạng sau tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo theo Forbes với 1,6 tỷ đô la Mỹ. Thực tế tính đến 15/11, khối tài sản của Chủ tịch Techcombank là 39.577 tỷ đồng, tương đương 1,76 tỷ USD. Mặc dù bối cảnh dịch bệnh kéo dài đem lại rủi ro nợ xấu khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải ngừng trệ nhưng nhóm ngành ngân hàng vẫn được giới phân tích đánh giá tích cực với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao. Bên cạnh cổ phiếu ngành thép, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng liên tục dậy sóng trong thời gian gần đây.
Có khối tài sản gần bằng Chủ tịch Techcombank, tỷ phú tập đoàn tiêu dùng Masan- Nguyễn Đăng Quang được Forbes ghi nhận là vị tỷ phú thứ 6 trong danh sách với 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên thực tế tại thời điểm 15/11 tổng giá trị vốn hóa tài sản của ông Quang đã đạt mức 1,72 tỷ USD, vượt lên cả vị nữ tỷ phú duy nhất trong danh sách.
Người thứ 5 trong danh sách Forbes là tỷ phú Trần Bá Dương với 1,6 tỷ USD nhưng thực tế từ ngày 1/1/2021 CTCP Ô tô Trường Hải đã hủy đăng ký niêm yết. Do vậy khó có thể nói chính xác vị tỷ phú này sở hữu giá trị tài sản có vốn hóa bao nhiêu.
Ứng cử viên tương lai
Thực tế trên sàn chứng khoán Việt Nam, xét theo giá trị cổ phiếu nắm giữ, nhiều cá nhân có thể được xếp vào danh sách tỷ phú đô la, dù chưa được Forbes đưa vào danh sách. Đầu tiên là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NovaLand). Theo thống kê, ông Nhơn đang sở hữu hơn 317,3 triệu cổ phiếu Novaland. Giá trị vốn hóa của lượng cổ phiếu này tại ngày 15/11, ông Nhơn sở hữu khối tài sản trị giá hơn 32.900 tỷ đồng, tương đương 1,49 tỷ USD.
Một nhân vật mới nổi lên gần đây là ông ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc KienLongBank và đồng thời là Chủ tịch tại nhiều công ty. Tại ngày 15/11, tổng giá trị vốn hóa của tất cả các cổ phiếu mà ông Tuấn nắm giữ lên đến 31.304 tỷ đồng, tương đương 1,39 tỷ USD.
Sự dậy sóng của nhóm cổ phiếu bất động sản trong đó có cổ phiếu PDR của Tập đoàn Phát Đạt cũng giúp ông Nguyễn Văn Đạt nắm giữ tài sản quy mô tỷ đô. Tính đến ngày 15/11 với việc sở hữu gần 298 triệu cổ phiếu PDR, vị doanh nhân này sở hữu khối tài sản lên tới 27.209 tỷ đồng, tương đương 1,21 tỷ USD.
Ngoài những tỷ phú trên, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng dần lộ diện những tỷ phú USD tương lai khi khối tài sản đã tiệm cận tỷ USD.
Đầu tiên có thể kể đến ông Nguyễn Đức Thụy, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank. Ông được mọi người gọi với biệt danh “bầu Thụy”, là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Thaiholdings. Do quy định của pháp luật, ông Thụy đã rời vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaiholdings vào cuối tháng 2/2020 và trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank từ tháng 5/2021. Tới ngày 15/11 tổng giá trị tài sản của doanh nhân này trên sàn chứng khoán đạt mức 20.930 tỷ đồng, khoảng 0,93 tỷ USD.
Sau bầu Thụy, bà Vũ Thị Hiền, vợ của ông Trần Đình Long là ứng cử viên sáng giá cho vị trí nữ tỷ phú đô la thứ 2 của Việt Nam. Bà Hiền hiện đang sở hữu khối tài sản tính bằng cổ phiếu Hòa Phát tại ngày 15/11 là 17.916 tỷ đồng, tương đương 0,79 tỷ USD. Nếu lịch sử bùng nổ giá của cổ phiếu Hòa Phát lặp lại trong thời gian tới, khả năng bà Hiền trở thành tỷ phú USD tiếp theo là rất lớn.