Theo GS.TS.BS Lê Văn Thành, Chủ tịch Danh dự hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn khoa Thần kinh Trường ĐH Y dược TP HCM - nguyên Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, trong tình hình thực tế hiện nay, cuộc chiến chống dịch COVID- 19 phải tính tới phương án "sống chung với dịch" vì những lý do sau:
1. Dịch đến Việt Nam quá nhanh, đợt 1 vào tháng 3/2020, tháng 2 chỉ xuất hiện 16 ca, chỉ sau 20 ngày, 23 tỉnh thành đã ghi nhận 153 ca, Chính phủ đã ra chỉ thị khẩn để phòng chống dịch. Trong đợt 2 từ tháng 4 /2021 đến nay, số người nhiễm tăng một cách đột biến. Riêng TP HCM hiện nay đã có trên 250.000 ca nhiễm.
2. Tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 là 4,2% - mức cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Theo GS Thành, chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng số nhiễm và tử vong lúc tăng lúc giảm, dao động từng ngày. Vấn đề sản xuất của các xí nghiệp nhà nước và nước ngoài sụt giảm, câu hỏi đặt ra là kinh tế của chúng ta có bị "đứt gãy".
3. Đời sống người dân, nhất là người yếu thế, bị bấp bênh, gặp nhiều khó khăn. Hiện có nhiều gia đình đã nhận được trợ cấ́p, tuy vậy vẫn còn nhiều gia đình khó khăn.
"Dịch còn kéo dài vậy chúng ta phải sống chung với nó. Theo tôi, sống chung nhưng không phải thụ động mà phải có cách củng cố, mở các kênh, như cách tổ chức thu dung, điều trị phòng bệnh thật tốt để giảm bớt sức tàn phá của dịch bệnh", GS Thành nói.
Cách sống chung với dịch COVID-19
Giáo sư Lê Văn Thành phân tích, virus luôn sinh ra biến thể mới rất nhanh, tùy từng vùng, miền lãnh thổ, biến thể Lamda rồi Delta tồn tại vài tháng gây nên sự lan rộng của dịch. Mới đây, Nhật Bản xuất hiện biến chủng Mu. Đầu năm 2021, nó xuất hiện tại Colombia, nay lan sang một số nước. Và 49/50 bang của Mỹ đã ghi nhận sự hiện diện của Mu. Một số chuyên gia dịch tễ lo ngại nó có thể phát triển nhanh và làm giảm tác dụng của vaccine.
GS Thành nói trong khoa học, có một khái niệm là chống virus thay vì chống dịch. Cuộc chiến chống dịch COVID- 19 này còn lâu dài, không thể khống chế tuyệt đối, thành phần dân cư TP HCM khoảng 10 triệu dân. Ngoài những người có hộ khẩu, đây là nơi hội tụ của nhiều người nhập cư. Người có tay nghề cao, người lao động chân tay, tiểu thương từ tỉnh khác trên toàn quốc tập trung về đây.
Kiến trúc thành phố rất phức tạp, ngõ nhỏ, xóm nhỏ, xen cạnh các chung cư cao tầng. Đây là nơi người chưa nhiễm cũng như bệnh nhân F0 chưa triệu chứng hoặc điều trị tại nhà cùng cư ngụ.
Việc khống chế dịch thực sự không thể tuyệt đối trong một thời gian nhất định được, phải lâu dài là đúng, GS nói.
Phương pháp xông bằng hơi nước ấm được chuyên gia khuyến khích.
GS đề xuất một số giải pháp chống dịch COVID-19 tại TP HCM, đặc biệt là cho những người chưa nhiễm bệnh:
- Thực hiện 5K + Vaccine + Chỉ thị 16 của Thủ tướng. F0 có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, nếu nặng hơn sẽ được đưa vào bệnh viện dã chiến. Bệnh nhân sau điều trị tại bệnh viện dã chiến, nếu đỡ sẽ cho về nhà theo dõi tiếp. Biến chủng Delta quá phức tạp, lan truyền nhanh. Để bảo vệ mình trước biến thể, người dân thường xuyên phải sử dụng 5K. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với những người tại vùng phong tỏa, khu cách ly hoặc có tiếp xúc với người bệnh.
- Ngoài những biện pháp trên, chúng ta phải lưu ý tới việc 72% dân số là những người chưa mắc bệnh, hãy tạo mọi chính sách, biện pháp để những cá nhân này vẫn tham gia sản xuất, đóng góp cho ngành kinh tế và an sinh xã hội.
Ngoài ra, cần có chiến lược, "chặn đứng" hay "bẻ gãy" sự phát triển tàn bạo của virus bằng biện pháp phòng chủ động cho từng cá nhân chưa nhiễm, đang lao động, sản xuất...
Chúng ta cũng biết rằng, có nhiều đường xâm nhập của COVID-19 vào cơ thể, trong đó đường hô hấp là quan trọng. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, các hạt nước bọt có chứa virus bắn vào khoảng không khí cách xa ta khoảng 1,5 đến 2 mét. Một nghiên cứu gần đây cho hay trong buồng kín cũng tồn tại virus lơ lửng trong không khí. Người bình thường nếu làm việc lâu trong trong môi trường này cũng có nguy cơ bị nhiễm.
Theo các nhà nghiên cứu, chúng ta phải mở cửa cho thông thoáng phòng làm việc và nếu có ánh nắng chiếu vào sẽ tốt hơn. Nếu chẳng may ta hít phải virus, virus sẽ bám vào niêm mạc xoang mũi miệng, hầu, thanh quản. Tại đây, một xung đột thực sự xảy ra giữa virus và cơ thể của chúng ta.
Hàng rào phòng ngự là niêm mạc, dưới lớp này có "đoàn quân chủ lực" là những tế bào lympho T và B, "cuộc chiến" tại đây kéo dài 5 đến 6 giờ. Nhiều nghiên cứu cho hay virus này sẽ chết trong nhiệt độ từ 45 -55 độ C.
Theo GS Thành, một trong những biện pháp tiêu diệt chúng trong 5 giờ đầu khi chưa xuyên qua được niêm mạc hầu họng đó là xông hơi. Theo dân gian, khi bị cảm cúm, ta đun bằng nồi có lá, trùm đầu; súc miệng bằng các nước chuyên dùng; xông bằng cách dùng ấm nước.
"Đặc biệt còn có phương pháp hít hơi nóng từ ấm đun nước. Phương pháp này đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện. Nhà đông người, tập thể đi công tác có thể áp dụng được khi về nghỉ trưa hoặc tối...
Cách làm như sau: Đun sôi một ấm nước (có thể cho củ, cây sả) vào trong, đeo tấm che giọt bắn, mở nắp ấm nước ra để hít hơi nóng chừng 2 phút, rồi nghỉ 2 phút. Lặp lại hoạt động này khoảng 2 đến 3 lần trong ngày tùy điều kiện mọi người", GS Thành chia sẻ.