Kỹ năng sống

Tuyết rơi ở sa mạc: Hiện tượng bất thường trở nên hợp lý

TIN MỚI

Tuyết rơi trên sa mạc tưởng chừng là chuyện bất hợp lý nhưng thực tế, các nhà khoa học đã nhiều lần ghi nhận hiện tượng này. Mới đây nhất, vào đầu tháng 11, sa mạc Al-Nafũd ở Al-Jawf, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), lần đầu tiên ghi nhận hiện tượng tuyết rơi, phủ trắng những cồn cát.

Còn trước đó, tuyết đã nhiều lần rơi trên Sahara, sa mạc lớn nhất trên Trái đất. Lần gần nhất là vào tháng 1/2022. Vào năm 2018, một số khu vực ở Tây Bắc Algeria đã chứng kiến lượng tuyết dày tới 40 cm hay trận bão tuyết năm 2016 đã phủ băng tuyết dày một mét ở một số khu vực.

Tuyết rơi là hiện tượng tự nhiên thường xảy ra vào mùa Đông ở những nơi có nhiệt độ dưới 0 độ C. Điều kiện để có tuyết rơi là không khí ẩm và nhiệt độ thấp. Các bông tuyết được hình thành ở nơi lạnh nhất của đám mây từ những hạt nước nhỏ li ti kết tủa thành. Các tinh thể nước đá trên mây kết hợp lại ở nhiệt độ thấp đóng băng ngay khi nhiệt độ đủ thấp, tạo thành các bông tuyết và rơi khi đủ nặng.

Sa mạc Sahara thường có nhiệt độ rất cao, khoảng trên 50 độ C. Đây là sa mạc lớn nhất thế giới, trải dài qua 11 quốc gia Bắc Phi gồm Algeria, Chad, Ai Cập, Libya, Mali, Mauritania, Morocco, Niger, Tây Sahara, Sudan và Tunisia. Nó được bao quanh bởi Đại Tây Dương ở phía Tây, Biển Đỏ ở phía Đông, biển Địa Trung Hải ở phía Bắc và Sahel Savannah ở phía Nam.

Phần trung tâm của Sahara là vùng đất siêu khô cằn, lượng mưa hàng năm dưới 100 mm nhưng không khí ẩm vẫn có thể đi vào khu vực này từ Đại Tây Dương, Biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, thông qua các trung tâm áp suất hình thành ở phía Bắc sa mạc vào mùa Đông và mưa gió mùa ở phía Nam vào mùa Hè. Do đó, vùng ngoại vi của sa mạc ẩm ướt hơn vùng trung tâm của nó. Điều này có nghĩa là tuyết có nhiều khả năng hình thành ở vùng ngoại vi của sa mạc.

Ngoài không khí ẩm, sa mạc Sahara cũng ghi nhận nhiệt độ thấp, nhất là về ban đêm. Hồi tháng 1/2005, người ta từng ghi nhận nhiệt độ tại vùng Algeria của sa mạc xuống -14 độ C. Các đợt lạnh xuất hiện từ Bắc bán cầu đã kéo không khí mát, ẩm từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về phía Bắc sa mạc Sahara. Vì vậy, vào mùa Đông, lượng mưa dọc theo rìa sa mạc cũng cao hơn.

Tuy nhiên, trên các vùng đất có địa hình cao như núi Atlas, Morocco hay Algeria, không khí bay lên có thể làm mát, ngưng tụ và nếu trời đủ lạnh, tinh thể nước trong không khí sẽ tạo thành các bông tuyết và rơi khi đủ nặng. Nếu bế mặt đất cũng lạnh, tuyết có thể tồn tại một thời gian và ngược lại sẽ tan khi bề mặt vẫn còn hơi nóng. Trong điều kiện thời tiết nêu trên và ở những vùng núi này, tuyết sẽ thỉnh thoảng rơi xuống.

Tuyết rơi ở sa mạc: Hiện tượng bất thường trở nên hợp lý- Ảnh 1.

Tuyết rơi trên sa mạc Sahara.

Ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu

Tuyết đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta. Khi nó tan vào mùa Hè, nước chảy xuống sông và các vùng nước khác, dành cho tưới tiêu và sinh hoạt của con người. Vào mùa Đông, tuyết hoạt động như một tấm chăn ấm cho Trái đất, cho phép cả thực vật và động vật đặc hữu ở vùng tuyết thích nghi với môi trường lạnh.

Tuyết ở Sahara có đang nhiều lên hay không là câu hỏi của giới khoa học trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Một phần do thiếu dữ liệu về các sự kiện trong quá khứ nhưng cũng vì nỗ lực lập mô hình khí hậu chưa tập trung vào Sahara, khu vực có dân số thấp.

Lượng tuyết rơi cũng rất khó dự đoán. Nó có thể gây ra một trận bão tuyết ở Sahara khiến giao thông đình trệ vào năm 1979 hoặc chỉ rơi lượng trung bình dày khoảng 40cm vào năm 2018. Tuy nhiên, trên toàn cầu, biến đổi khí hậu dẫn đến các kiểu thời tiết ngày càng khó lường.

Ở Sahara, tác động của biến đổi thời tiết có nghĩa là lượng mưa tăng lên, nhất là dọc theo rìa Sahel và dãy núi Atlas, kéo theo tuyết rơi. Hiện tượng này sẽ tiếp tục xảy ra nên sẽ không còn là điều bất thường.

Vấn đề tuyết rơi không phải là thách thức chính mà Sahara phải đối mặt do biến đổi khí hậu. Các chuyên gia dự đoán phía trung tâm của sa mạc sẽ nóng và khô hơn, đồng nghĩa các thành phố xung quanh sẽ có ít nước phục vụ nông nghiệp. Hơn nữa, những khu vực xung quanh Sahara có khả năng biến thành sa mạc trong những thập kỷ tới.

Ngay cả khi không bị sa mạc hoá, các khu vực xung quanh Sahara sẽ đối mặt với tình trạng suy thoái đất. Ước tính, suy thoái đất có thể làm giảm 10% năng suất cây trồng đến năm 2050, tương đương với việc hàng triệu mẫu đất canh tác bị loại bỏ. Mất đất cũng đồng nghĩa nguồn cung thực phẩm, nước sạch và đa dạng sinh học bị đe dọa.

Với việc tuyết rơi ở sa mạc Al-Nafũd, theo trung tâm khí tượng quốc gia UAE, hiện tượng thời tiết bất thường này xuất phát từ vùng áp thấp xuất hiện ngoài khơi biển Arab. Áp thấp mang theo không khí ẩm vào địa điểm khô cằn, gây ra giông bão, mưa đá và mưa lớn tại UAE và Saudi Arabia. Ở sa mạc, nó tạo thành tuyết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm