Như vậy, 3,1 tỷ cổ phiếu BSR sẽ được đưa vào giao dịch trên HOSE trong thời gian tới. Giá trị đăng ký niêm yết tính theo mệnh giá của doanh nghiệp hơn 31.000 tỷ đồng.
Trước đó, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cp lên HOSE vào 21/8. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu đã được đưa ra trong nhiều năm qua nhưng chưa thực hiện được do vướng mắc tiêu chí của Sở.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, về vấn đề niêm yết, ban lãnh đạo BSR cho biết vào cuối năm 2023, công ty đã lỡ hẹn do đã đáp ứng đủ 8/9 tiêu chí, trừ tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn. Nguyên do là công ty con BSR-BF có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính hợp nhất.
Đến ngày 27/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 01/2024/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF. Điều này đã chấm dứt quyền kiểm soát của BSR tại BSR-BF. Theo đó, BSR không còn hợp nhất báo cáo tài chính của BSR-BF; đã đáp ứng điều kiện để niêm yết cổ phiếu.
Hiện tại, cổ phiếu BSR đang được giao dịch trên UPCoM với giá 21.500 đồng/cp kết phiên 12/12, giảm 5% qua một quý; khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 4,3 triệu đơn vị. Vốn hóa thị trường đạt hơn 66.660 tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn đang là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ hơn 92% vốn.
Về tình hình kinh doanh, quý III, công ty ghi nhận doanh thu gần 32.000 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến BSR lỗ ròng hơn 1.200 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, doanh thu ghi nhận hơn 87.000 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 674 tỷ đồng, giảm 90%.
Lãnh đạo công ty mới đây cho biết trong quý III và nửa đầu quý IV, giá dầu thô biến động dẫn tới biên lợi nhuận ngành lọc dầu bị thu hẹp đã tạo ra áp lực tài chính cho các tập đoàn, công ty dầu khí trên toàn cầu, bao gồm BSR.