Nhiều doanh nghiệp bất an với “án treo” liệu có ảnh hưởng đến việc cung cầu thị trường xăng dầu - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh quyết định của Bộ Công Thương về việc rút giấy phép, đình chỉ hoạt động tạm thời năm doanh nghiệp đầu mối.
Việc Bộ Công Thương tạm thời chưa áp dụng biện pháp xử lý này nhằm tránh gây thêm căng thẳng về nguồn cung trong bối cảnh thị trường xăng dầu chưa ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cảm thấy bất an với "án treo" này bởi việc đóng cửa, dừng mọi hoạt động trong một tháng sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nguồn cung xăng dầu trên thị trường cũng bị ảnh hưởng.
Mức phạt quá nặng với lỗi thủ tục
Trao đổi với chúng tôi, một doanh nghiệp đầu mối cho rằng việc áp dụng hình thức phạt bổ sung là rút giấy phép vì những lỗi được xác định là "không đáp ứng điều kiện về hệ thống xăng dầu theo quy định" chưa thực sự thỏa đáng. Bởi theo quy định cũ của nghị định 83, doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện. Nhưng với quy định mới tại nghị định 95, doanh nghiệp đã đáp ứng được. Do đó, cần phải có đánh giá tổng thể, hành vi vi phạm để xử phạt cho phù hợp.
Theo vị này, với vi phạm về vấn đề thủ tục, cần có hướng dẫn, tháo gỡ cho doanh nghiệp để khắc phục vi phạm. Và trong thực tế, theo quy định mới tại nghị định 95, doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng được.
"Chúng tôi không găm hàng, không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, cũng không cố ý sai phạm, trong thời gian qua khi thị trường biến động đã nỗ lực cung ứng xăng dầu ra thị trường, duy trì bán hàng tại hệ thống mà không đóng cửa, nên nếu phạt bổ sung mà đình chỉ hoạt động tới một tháng thì nặng quá", vị này nói.
Một doanh nghiệp khác cho rằng dù Bộ Công Thương tạm thời chưa rút giấy phép các doanh nghiệp nhưng "án phạt" vẫn đang treo và nguy cơ dừng hoạt động, đóng cửa hàng nghìn cửa hàng xăng dầu là hoàn toàn có thể xảy ra khi "án phạt" được thực thi.
"Dù có thêm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị cũng rất khó để tránh khỏi đổ vỡ, đứt gãy nguồn cung trên thị trường, do những doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn, sở hữu tới hơn 2.500 cửa hàng bán lẻ", doanh nghiệp này lo lắng.
Theo các doanh nghiệp, xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện nhưng cũng là ngành đặc thù, trong đó các doanh nghiệp đầu mối có nhiệm vụ đảm bảo xuất nhập khẩu xăng dầu, đáp ứng đủ nguồn cung trên thị trường để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Vì vậy, việc đưa ra những hình phạt rút giấy phép hay dừng hoạt động với doanh nghiệp xăng dầu cần được đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng trên cơ sở phạm vi tác động, mức độ ảnh hưởng tới cung cầu thị trường.
Trong trường hợp doanh nghiệp đã khắc phục vi phạm hoặc có những hình thức để khắc phục nhằm giúp thị trường lành mạnh hơn, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi.
"Nguyên tắc xử phạt là cần đảm bảo tính răn đe, việc rút giấy phép là hình phạt rất nặng và chúng tôi cho rằng chỉ áp dụng với lỗi vi phạm nặng. Đúng là doanh nghiệp có hạn chế khi chưa rà soát đầy đủ quy định nhưng vấn đề nằm ở thủ tục, cần có hướng xử phạt sao cho phù hợp nhất, tránh tác động đến thị trường", một doanh nghiệp bày tỏ.
Người dân đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên quốc lộ 13 (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Quy định gây khó cho doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện có thẩm quyền cho hay trong nghị định 95 có điều khoản về chuyển tiếp giữa hai nghị định nêu rõ, với những doanh nghiệp đang áp dụng quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu của nghị định 83, nếu không thay đổi giấy phép sẽ vẫn tiếp tục áp dụng nghị định này cho đến khi giấy phép hết hiệu lực hoặc có sự thay đổi về điều kiện kinh doanh.
Trong trường hợp thay đổi, phải xin cấp giấy phép mới theo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu mới được xác nhận thực hiện theo quy định mới sửa đổi. Do đó, những doanh nghiệp vẫn còn giấy phép hoạt động theo nghị định 83, tại thời điểm thanh tra nếu không đáp ứng được đầy đủ quy định về số lượng đại lý, tổng đại lý, cửa hàng... sẽ phải bị xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Những lỗi vi phạm của doanh nghiệp dẫn tới hình phạt bổ sung được xác định liên quan đến việc không đủ điều kiện của hệ thống phân phối theo các nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Quyết định thanh tra cũng được thực hiện trong giai đoạn từ ngày 1-1-2021 đến tháng 6-2022. Và theo Luật xử lý vi phạm hành chính, thời điểm xảy ra vi phạm khi nào phải áp dụng quy định tại thời điểm đó.
Do vậy, theo vị này, việc áp dụng hình thức xử phạt là có cơ sở, nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm quy định. Dù nhìn nhận việc rút giấy phép có thể ảnh hưởng tới thị trường, tác động đến cung cầu thị trường nhưng theo vị này, qua các kết luận thanh tra và kiểm tra, việc xử phạt doanh nghiệp phải được thực hiện.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp cho rằng những quy định trên là bất cập và có thể khiến doanh nghiệp dễ rơi vào vi phạm, khi cùng một hệ thống đại lý, cửa hàng nhưng với nghị định cũ là vi phạm, nhưng với quy định của nghị định mới lại đáp ứng yêu cầu.
Do đó, trong trường hợp doanh nghiệp không đánh giá được hết những bất cập của quy định, không xin cấp giấy phép mới và làm lại thủ tục, nhiều nguy cơ sẽ bị tước giấy phép như trường hợp của các doanh nghiệp trên.
"Cơ quan chức năng cần có hướng dẫn, phổ biến thông tin cho doanh nghiệp, lưu ý cho doanh nghiệp về những quy định được cho là "điểm mờ" này chứ chúng tôi nỗ lực kinh doanh, nhưng chỉ vì thủ tục, quy định sửa đổi chưa kịp cập nhật mà bị rút giấy phép thì tội quá.
Bởi vậy, việc tước giấy phép cần được xem xét lại cho phù hợp với những lỗi vi phạm không cố ý như trên, để doanh nghiệp được hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cung cầu cho thị trường", một doanh nghiệp kiến nghị.
Vẫn chờ quyết định chính thức
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp nằm trong nhóm năm doanh nghiệp vừa bị tước giấy phép cho biết các doanh nghiệp này đã làm việc với Bộ Công Thương để giải trình, bàn các biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Trước mắt, các doanh nghiệp vẫn tạm kinh doanh bình thường và vẫn cấp hàng cho hệ thống để đảm bảo ổn định thị trường nhưng "án treo" vẫn còn đó và chờ thời điểm thi hành.
"Chúng tôi đã giải trình với Bộ Công Thương, đến nay vẫn đang chờ hướng dẫn chứ chưa có phương án nào chính thức", vị này nói và cho biết vi phạm của doanh nghiệp được Bộ Công Thương thanh tra và ghi nhận vào năm 2021, song đến nay mới áp dụng biện pháp chế tài là tước giấy phép kinh doanh.
Giải thích lý do bị xử lý, vị này cho biết vào năm 2021, doanh nghiệp vẫn đủ 40 đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định của nghị định 83. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, có vài đại lý trong số 40 đại lý đang chờ cấp giấy mới, doanh nghiệp đã có biên lai của Sở Công Thương đối với các đại lý này và thông báo đang chờ cấp lại, bổ sung giấy phép trong hai tuần.
Tại thời điểm đó, doanh nghiệp cũng đã cung cấp đầy đủ các giấy tờ, biên bản để chứng minh với Bộ Công Thương. "Lỗi này nặng hay nhẹ có thể tùy quan điểm của bộ, song bộ đã biết lỗi từ trước", vị này nói và cho rằng lẽ ra cơ quan chức năng cần ban hành các quyết định xử phạt ngay khi phát hiện vi phạm từ 2021, thay vì đến nay lại "hồi tố" trong bối cảnh căng thẳng về kinh doanh xăng dầu.
Cũng theo vị này, nếu tạm ngưng kinh doanh sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho hệ thống của doanh nghiệp. Hơn nữa, theo quy định, mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng với một doanh nghiệp đầu mối và mua hàng của đầu mối đó. Do vậy, nếu doanh nghiệp ngưng cấp hàng, các đại lý cũng sẽ chuyển sang các đầu mối khác khiến doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn sau này.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cũng cho biết trong trường hợp năm doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp chế tài là tước giấy phép kinh doanh, phía Nhà nước phải ra quy định để cho phép các đại lý chuyển sang mua hàng của các đầu mối khác. Nếu không, việc đại lý mua từ các doanh nghiệp khác lại vi phạm quy định pháp luật hoặc nếu ngưng bán sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường.
"Trong trường hợp năm doanh nghiệp vi phạm phải tạm ngưng kinh doanh, chúng tôi cũng chỉ tăng một phần nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường phía Nam, bởi muốn tăng cung nhiều cũng sẽ rất khó", vị này nói.
* Ông Bùi Ngọc Bảo (quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam):
Không nên rút giấy phép doanh nghiệp
Những bất cập của nghị định 83 liên quan đến hệ thống phân phối đã được sửa đổi tại nghị định 95. Theo đó, các doanh nghiệp đều đã đáp ứng được quy định của nghị định 95 nên trên thực tế, doanh nghiệp không vi phạm theo quy định hiện hành. Cũng có thể xem đó là những vi phạm trước đây nhưng nay đã được khắc phục.
Việc cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để lành mạnh thị trường xăng dầu là điều cần làm. Tuy nhiên, với những lỗi vi phạm không để lại hậu quả nghiêm trọng, cũng như đã được khắc phục theo quy định mới, thì cơ quan chức năng cần cân nhắc hình thức xử phạt cho phù hợp và không nên áp dụng biện pháp rút giấy phép với doanh nghiệp.