Phong cách sống

Từng xuất hiện tại Việt Nam, loại mây kỳ lạ có hình dạng như đĩa bay tiếp tục lộ diện trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ

Một đám mây hiếm gặp có hình dạng giống vật thể bay không xác định (UFO) được phát hiện trôi nổi trên bầu trời Bursa, Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 19/1 vừa qua.

Được biết, đám mây này xuất hiện lúc mặt trời mọc và có một lỗ lớn ở giữa, với hình dạng gợi nhớ tới một chiếc đĩa bay. Nó tồn tại không trong một tiếng đồng hồ.

Nhiều cư dân mạng đã chụp lại hiện tượng hiếm gặp trên bằng điện thoại của mình. Các video và hình ảnh về đám mây trông kỳ lạ đã lan truyền khắp thế giới. Hàng trăm người dùng mạng xã hội nói rằng đám mây trông giống UFO.

Từng xuất hiện tại Việt Nam, loại mây kỳ lạ có hình dạng như đĩa bay tiếp tục lộ diện trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Các video và hình ảnh về đám mây trông kỳ lạ đã lan truyền khắp thế giới. Ảnh: Twitter

#Thổ Nhĩ Kỳ có một buổi bình minh bất thường sáng nay. Đoạn phim về một hiện tượng tự nhiên hiếm gặp được gọi là #UFO dạng thấu kính/đám mây Phơn do thám", một người dùng viết trong khi chia sẻ hình ảnh và video về đám mây giống UFO.

"Một đám mây dạng thấu kính tạo nên khung cảnh huy hoàng được phát hiện trên Bursa, Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm nay," một người dùng khác cho biết.

Từng xuất hiện tại Việt Nam, loại mây kỳ lạ có hình dạng như đĩa bay tiếp tục lộ diện trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 2.

Các đám mây dạng thấu kính được biết đến với hình dạng giống như đĩa bay của chúng. Chúng thường được tìm thấy ở độ cao từ 2.000 đến 5.000 mét. Ảnh: Twitter

Mây dạng thấu kính (tiếng Anh: Lenticular cloud) là những đám mây hình thành cố định trong tầng đối lưu, đặc trưng là luôn luôn đứng im cho dù sức gió có mạnh tới đâu. Điều này xảy ra chính nhờ quá trình ngưng tụ hơi nước liên tục trong bầu khí quyển. Chúng được tạo ra từ rìa của những tầng sóng không khí hoặc giữa các lớp gió với nhau.

Có ba loại đám mây dạng thấu kính chính: dạng thấu kính đứng altocumulus (ACSL), dạng thấu kính đứng stratocumulus (SCSL), và dạng thấu kính đứng cirrocumulus (CCSL), thay đổi theo độ cao ở trên mặt đất.

Mây dạng thấu kính rất hiếm gặp, thường xuất hiện dọc theo các dãy núi cao và chỗ khuất gió bên sườn núi, nhất là khi có một dòng không khí khô và ẩm ổn định bay ngang qua ngọn núi hay đồi. Khi lớp không khí ẩm bị đẩy lên cao và đạt đến một điểm bão hòa, nó cô đọng lại thành những đám mây. Do hình dạng như một chiếc đĩa, mây dạng thấu kính thường bị nhầm lẫn với đĩa bay (UFO).

Mây thấu kính thường xuất hiện vào mùa đông, nhưng vẫn có thể nhìn thấy chúng vào những thời điểm khác trong năm. Những loại mây này có thể là tín hiệu của một trận mưa sắp xảy ra trong những ngày hôm sau, hoặc khi bầu khí quyển ẩm hơn trước cơn bão sắp tới.

Trong trường hợp này, một đợt không khí lạnh yếu đang tiến đến phía tây Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm. Bursa cũng nằm dưới chân một dãy núi, khiến hiện tượng này có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Hiện tượng tự nhiên này từng được ghi lại ở nhiều địa điểm trên khắp thế giới. Vào hôm 24/11/2022, mây thấu kính cũng từng xuất hiện ở Việt Nam tại núi Bà Đen, thuộc thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, với độ cao 996 m.

Từng xuất hiện tại Việt Nam, loại mây kỳ lạ có hình dạng như đĩa bay tiếp tục lộ diện trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 3.

Mây thấu kính bao phủ đỉnh núi Bà Đen sáng 24/11. Ảnh: Facebook Do Vinh Quan.


Tham khảo The Guardian / Wikipedia


Cùng chuyên mục

Đọc thêm