1. Xác định cụ thể mục tiêu tài chính
Mọi người đều có những mục tiêu khác nhau: Cho dù đó là thanh toán hết nợ thẻ tín dụng, tiết kiệm để nghỉ hưu sớm, mua nhà hay trả tiền học phí,... Xác định được điều bạn muốn làm gì với tiền bạc của mình trong năm mới là bước đầu tiên. Điều này sẽ giúp bạn xác định được các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn để đạt được kết quả như mong muốn; đồng thời cũng sẽ giúp bạn không đặt mục tiêu quá cao so với khả năng thực tế.
Brittney Castro, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận tại Mint nhấn mạnh: "Một trong những khó khăn khi đặt mục tiêu tài chính là không xác định được khả năng của bản thân. Đó là 1 lối tư duy cực đoan và khi bắt tay vào làm điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã tự chuốc lấy thất bại vì không xem xét hết tất cả những vấn đề có thể xảy ra, ảnh hưởng tới tài chính."
Hãy xác định cụ thể mục tiêu tài chính trước khi bắt tay vào thực hiện.
2. Lập ngân sách
Bước thứ hai trong bất kỳ kế hoạch tài chính nào là lập ngân sách.
Không quan trọng mục tiêu của bạn là gì, bạn sẽ không thể đi đến tự do tài chính nếu không có bản đồ và bạn lập ngân sách cho bản đồ đó.
"1 mẹo hữu ích mà tôi áp dụng để theo dõi, quản lý và cập nhật tình hình tài chính là lập ngân sách hàng tháng hoặc kế hoạch chi tiêu." - Esther Mukoro, một chuyên gia tài chính và là người sáng lập Money Nuggets nói.
3. Nếu bạn không thể bám sát ngân sách của mình, hãy lên kế hoạch chi tiêu cụ thể
Nếu bạn đã lập ngân sách hết lần này đến lần khác và liên tục thất bại trong việc quản lý, thì việc lên cho mình 1 kế hoạch chi tiêu cụ thể sẽ dễ dàng hơn nhiều.
"Khái niệm sống theo kế hoạch chi tiêu thay vì ngân sách có thể mang lại cho bạn sự tự do, thoải mái và cảm giác yên tâm" - Loreen Gilbert, Giám đốc điều hành tại WealthWise Financial Services nói.
Ngoài ra, kế hoạch chi tiêu cho phép bạn chọn tiêu tiền vào việc gì thay vì tập trung vào những thứ bạn không thể mua. Bạn có thể bắt đầu với các chi phí cần thiết như: tiền thuê nhà, tiện ích thực phẩm và tiền tiết kiệm. Ngoài ra, các ứng dụng quản lý tài chính cũng có thể giúp bạn theo dõi mọi thứ và thực hiện thanh toán tự động để tránh phát sinh phí phạt.
Lên kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm với các vấn đề liên quan đến tiền bạc hơn.
4. Theo dõi tài khoản ngân hàng và giỏ hàng trong các ứng dụng mua sắm trực tuyến thường xuyên
Việc chi tiêu không đều giữa các tháng là chuyện bình thường. Và việc theo dõi tài khoản sát sao có thể sẽ không cho bạn thấy tiền đang đi đâu nhưng nó sẽ giúp bạn biết được khi nào việc chi tiêu vượt tầm kiểm soát để điều chỉnh kịp thời.
"Kiểm tra số dư tài khoản của bạn hàng ngày và xem tiền của bạn thực sự đi đâu. Điều này cũng có thể giúp bạn biết khi nào số tiền của bạn đang còn quá ít và bạn cần hạn chế chi tiêu trước khi số dư trong tài khoản cạn kiệt. Tôi cũng khuyên mọi người nên theo dõi tất cả các giao dịch mua trong 30 ngày." - Melanie Lockert, người sáng lập Dear Debt cho biết.
5. Lên kế hoạch cụ thể cho "những ngày cuối tuần không chi tiêu" trong tháng
Những ngày cuối tuần không chi tiêu là một cách tuyệt vời để tiết kiệm. Bắt đầu bằng cách lên kế hoạch trước cho những ngày cuối tuần của bạn, ví dụ như: chọn 1 món ăn hoặc hoạt động giải trí nào đó...
Nếu bạn sống ở một khu vực đô thị lớn, hãy tìm hiểu xem cuối tuần đó có những sự kiện miễn phí nào hấp dẫn. Một lựa chọn khác là ở nhà và ăn những đồ ăn có sẵn rồi xem các bộ phim hoặc chương trình truyền hình mà bạn yêu thích.
"Tôi đã thực hiện cách này được vài tháng và tiết kiệm được hơn 5 triệu đồng." - Emma Newberry cho biết.
6. Tăng khoản tiền tiết kiệm nghỉ hưu
Đối với những người đã có kế hoạch tài chính tốt và đang chờ đợi ngày đẹp trời được gọi là "nghỉ hưu", việc tăng khoản tiết kiệm hưu trí là điều tối quan trọng vì lạm phát đang khiến nhiều người những người chọn "nghỉ hưu sớm" quay trở lại lực lượng lao động.
Bạn cần đảm bảo rằng số tiền hưu trí của mình sẽ tồn tại lâu dài và những tình huống không may xảy ra sẽ không khiến khoản tiết kiệm của bạn cạn kiệt nhanh hơn dự định. Lorna Sabbia, người đứng đầu các giải pháp hưu trí và tài sản cá nhân tại Bank of America gợi ý rằng, chúng ta nên áp dụng một cách tiếp cận dài hạn cho kế hoạch nghỉ hưu của bạn.
Theo thống kê của Standard & Poor's, một công ty dịch vụ tài chính tại Mỹ, nhu cầu tài chính khi về hưu vào khoảng 60 - 80% số tiền mà mỗi người dùng để chi tiêu khi còn trẻ. Điều đó có nghĩa, bạn cần tiết kiệm khoảng 12 - 16 năm thu nhập để có thể sống dư dả suốt quãng đời 20 năm nghỉ hưu.
7. Nếu bạn đang đầu tư, hãy chờ cơ hội thích hợp
Hầu hết các chuyên gia tài chính ở Hoa Kỳ đều nói rằng suy thoái kinh tế sẽ đến vào một thời điểm nào đó vào năm 2023 và trong khi nhiều người lo sợ về điều đó.
"Suy thoái kinh tế là khi nền kinh tế không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm và thông thường bạn sẽ thấy tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, lãi suất cao hơn, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng ít hơn" - Stevens chia sẻ trong số podcast Your Money, Your Life.
"Đối với những người hiểu rõ về chu kỳ kinh tế, đây có thể là thời điểm tuyệt vời để tận dụng doanh số bán hàng trên thị trường." - Stevens nói.
Bám sát các mục tiêu tài chính của bạn trong thời kỳ suy thoái sẽ giúp bạn tiếp cận nhiều cơ hội hơn khi thị trường và nền kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại.
8. Tránh xa các khoản đầu tư mạo hiểm
Ngành công nghệ là một trong những lĩnh vực đầu tư được thử nghiệm nhiều nhất trong những năm gần đây với sự phát triển của Amazon, Apple và Google. Tiền điện tử cũng đã được xem là một cách nhanh chóng để tăng tài khoản của bạn.
Tuy nhiên, ngành công nghệ hiện đang sa thải hàng ngàn công nhân trên cả nước. Đồng thời, nhiều người đổ tiền vào tiền điện tử cũng đã gặp phải không ít vấn đề, khó khăn trong 2 năm vừa qua.
9. Hãy nhớ rằng, quản lý tiền là một cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút
Bất kỳ hình thức quản lý tiền nào dù lớn hay nhỏ cũng đều cần có thời gian.
Nếu bạn cảm thấy việc lập ngân sách và hạn chế chi tiêu là quá khó, hãy nhớ mục tiêu là gì và bạn có thể đạt được mục tiêu đó bao lâu. Ngoài ra, hãy tự thưởng cho bản thân sau khi đạt được những cột mốc trong bản kế hoạch mục tiêu tài chính của mình, nó sẽ giúp bạn có thêm động lực để về đích.
Hãy nhớ rằng điều này là vì tương lai tài chính và sự tự do của bạn, vì vậy hãy luôn lạc quan và ghi nhớ mục tiêu của mình. Bởi vì khi bạn đạt được mục tiêu đó, bạn sẽ nhận ra rằng nó không quá khó như những gì bạn nghĩ.