Phiên bản Vinpearl Safari dưới biển
“Tôi vốn là một người yêu biển và bơi rất giỏi. Nhưng tôi gặp sự cố đuối nước vào năm 2012 và may mắn thoát được một cách rất kỳ lạ. Bốn năm sau đó tôi không dám đến gần mặt biển. Đến năm 2016, tôi quyết định vượt lên chính mình bằng cách đối mặt với nó, học lặn để trở thành thợ lặn chuyên nghiệp. Lần đầu tiên xuống đáy biển, tôi đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những rặng san hô và những loài sinh vật kỳ lạ. Ngay thời điểm đó tôi loé lên một ý tưởng làm sao để đưa một người không biết bơi xuống đáy biển và nhìn thấy những quang cảnh này”, CEO Công ty Cổ phần và đầu tư Namaste – Lê Quang Duy giới thiệu.
Theo anh Lê Quang Duy, Namaste chuyên cung cấp dịch vụ đi bộ dưới đáy biển tại Phú Quốc. Đây là đơn vị được cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động bộ môn đi bộ dưới đáy biển Seawalker, cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu công viên san hô.
Trong thời gian đi khắp các vùng biển, tìm nơi phù hợp để triển khai, vị CEO nhận rằng hiện tượng el nino đang làm nhiệt độ nước biển tăng và tẩy trắng san hô. Nếu duy trì tốc độc này thì 30 năm nữa, Việt Nam sẽ không còn san hô.
"Tôi rất buồn vì điều đó, giống như tình yêu vừa chớm nở đã vụt tắt nên muốn khôi phục môi trường biển thông qua con đường kinh doanh".
Cụ thể, năm 2018, Namaste ra mắt cơ sở đầu tiên với mô hình đi bộ dưới đáy biển để tham quan công viên san hô. Công viên này rộng 1ha, có hơn 200 loài san hô cứng mềm và hàng trăm loại cá. Tính đến nay, công ty đã phục vụ được hơn 30.000 du khách, mang về doanh thu 20 tỷ đồng và lợi nhuận 4 tỷ đồng. Ngoài ra, startup này còn triển khai một vườn ươm san hô rộng 9.000 m2.
Vị CEO cho biết thêm, cơ sở thứ hai là một du thuyền, sẽ được đưa vào hoạt động từ Quý 3/2021. Do đó, anh Duy muốn kêu gọi 1 triệu USD cho 7% cổ phần (tương đương mức định giá hơn 328 tỷ đồng) để mở rộng diện tích khôi phục, nhân giống san hô lên 40ha.
Nhận định về mô hình kinh doanh của Namaste, Shark Hưng ví san hô dưới nước như hoa lan trên cạn, phụ thuộc rất nhiều vào môi trường. Phó Chủ tịch Cen Group cũng hỏi thêm về chi tiết tổng đầu tư dự án.
CEO Namaste cho biết vốn đầu tư đăng ký với tỉnh Kiên Giang là 64 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế đã giải ngân 90 tỷ đồng. Trong đó, 70 tỷ đồng là vốn tự có, 20 tỷ đi vay.
Shark Bình tính toán, với mức định giá post-money 305 tỷ đồng, đây là mức định giá cao nhất của startup từ đầu mùa 4 đến nay. "Tại sao bạn lại tự tin với mức định giá này vậy?", Shark Bình hỏi.
CEO Namaste giải thích: "Tổng mức đầu tư ban đầu của tôi là 12 tỷ đồng. Cơ sở thứ 2 là một du thuyền, hiện tại đang đóng, và đã giải ngân khoảng 2,8 triệu USD. Dự kiến đến khi hoàn thành là 4 triệu. Nó là một tổ hợp vui chơi giải trí trên biển, có thể coi là công viên nổi".
Về tình hình kinh doanh, CEO Lê Quang Duy cho biết doanh thu 3 tháng gần nhất là 8 tỷ đồng, lợi nhuận 20%.
Tuy nhiên, Shark Hưng phân tích: "Diện tích 40 ha trong kế hoạch tạo vườn ươm san hô mới chỉ dừng lại ở chủ trương của tỉnh Kiên Giang, chưa chắc bạn đã là chủ đầu tư. Còn diện tích vận hành dịch vụ thực tế là 1ha, trong đó khoản đầu tư 90 tỷ là đã đầu tư hơn 50 tỷ vào du thuyền. Do đó, khoản tiền đầu tư sẽ là gộp chung vào một công ty, bao gồm 1ha đang có và dự án trong tương lai".
…
Với số liệu trên, như vậy một năm bạn được khoảng 30 tỷ, lợi nhuận 6 tỷ, 10 năm được 60 tỷ, 50 năm mới được 300 tỷ. Nếu chiết khấu dòng tiền về hiện tại thì 100 năm mới thu về được bằng với giá trị doanh nghiệp bạn định giá hiện tại".
CEO phản pháo: "Shark mới tính một cơ sở thôi".
Đến đây, Shark Phú phải giải thích: "Nguyên tắc như thế này, người ta tính một cơ sở hiện giờ và đầu tư bây giờ thì phải được hưởng lợi ở tương lai. Mình định giá công ty cao quá là người ta không vào. Anh nghĩ là nên tính toán lại nếu không thì sẽ gặp bất lợi".
"Trừ khi em có cái gì đó độc quyền đặc biệt mà không ai có hết", Shark Louis bổ sung.
Trong khi đó, như thường lệ, Shark Liên xoáy sâu vào vấn đề bảo vệ môi trường: "Chị hỏi em một câu này, khi làm em có nghiên cứu về sinh vật biển không? Em có biết san hô đang bị con người tàn phá không thương tiếc. Em có giải pháp gì để bảo vệ nó? Mục đích của em là kiếm tiền, không có gì bảo vệ san hô cả nhé!"
Không chấp nhận lời đánh giá này, CEO giải thích: "Năm năm trước tôi bị mất động lực. Ở trong cộng đồng của tôi thì tôi cũng được cho là thành công. Tuy nhiên chỉ kiếm tiền, mọi thứ quá dễ dàng làm tôi bắt đầu thấy cuộc sống không có ý nghĩa, chỉ chạy theo đồng tiền. Tôi cần một cái gì đó đóng góp cho xã hội. Thậm chí tôi đã bỏ tất cả những gì đang làm để rong ruổi. Khi phát hiện tình trạng san hô và thấy mình có thể làm được, tôi thậm chí cầm cố cả nhà để đầu tư".
Ngoài ra, Namaste còn nhấn mạnh rằng đang sở hữu vườn ươm san hô có diện tích 9.000 m2, "đó là sản phẩm em trồng ra được và là nguyên liệu để cấy lại các khu vực biển".
Ngược lại với Shark Liên, Shark Bình cho rằng "có thực mới vực được đạo, làm kinh doanh phải có tiền, sau đó mới tái đầu tư".
Tuy nhiên, Shark Liên vẫn chưa dừng lại: "Những vườn em đang cho du khách xuống ngắm san hô, làm thế nào để e bảo vệ san hô không bị tác động?"
Shark Phú bênh vực: "Mình tách bạch ra, ở Shark Tank là chúng ta tìm kiếm mô hình kinh doanh để đầu tư sinh lời, còn môi trường thì chúng ta có hoạt động môi trường riêng"
CEO Namaste giải thích, mỗi một khách khi đến trải nghiệm dịch vụ thì thời gian trải nghiệm tối đa cho mỗi khách là 20 phút, mỗi ngày chỉ cho phép từ 120-150 người tham gia để đảm bảo sự ổn định cho môi trường biển. Mỗi du khách tham gia sẽ có huấn luyện viên đi kèm, ngoài trách nhiệm dẫn dắt và bảo vệ, huấn luyện viên còn có trách nhiệm giữ cho khách không chạm vào san hô. Ngoài ra mỗi cơ sở chỉ hoạt động 6 tháng, 6 tháng còn lại để cho thiên nhiên phục hồi và phát triển.
Giữa những tranh cãi về quan điểm của Shark Liên, Shark Louis nhận định: "Giữa kinh doanh và môi trường thì có một cái gọi là đầu tư vững bền, đầu tư tác động. Nhưng em phải chứng minh là cái thương vụ này kiếm được tiền, em kinh doanh như thế nào? Em làm một phân tích SWOT đi?"
"Dịch vụ đi bộ dưới đáy biển ở Phú Quốc hiện tại là 950.000 đồng/người/20phút. Ngoài ra còn có các dịch vụ phụ. Một ngày cơ sở 1 phục vụ được 120-150 người, cơ sở 2 đã tăng dung lượng lên khoảng 300-400 khách, biên lợi nhuận tăng tối thiểu 20%", vị CEO trình bày.
Startup từng được Shark Việt đầu tư, từ chối cả 2 đề nghị đầu tư
Theo dõi màn gọi vốn của CEO Công ty Namaste, có lẽ nhiều khán giả sẽ "ngờ ngợ", thấy startup này có vẻ quen quen. Thực tế, đầu năm 2020, Shark Việt đã "rút ví" để đầu tư cho Công ty Namaste, dù giá trị thương vụ không được tiết lộ. Bên cạnh đó, đây cũng là thương vụ nằm ngoài bể "cá mập" và không liên quan đến Shark Tank Việt Nam. Tại tập mà Namaste gọi vốn, Shark Việt cũng không còn ngồi ghế nóng của chương trình.
Quay trở lại màn gọi vốn, Shark Hưng đánh giá cao mô hình kinh doanh của Namaste và đề nghị góp vốn với hình thức rất "fair": "Bạn bỏ ra 70 tỷ rồi thì tôi bỏ ra thêm 1 triệu USD nữa, như vậy tôi phải chiếm 25%".
Đến lượt Shark Liên, bà không đầu tư và nhắn nhủ CEO: "Mình đang tưởng mình cứu thế giới nhưng không phải đâu".
Shark Phú và Shark Louis cùng từ chối vì mô hình kinh doanh phù hợp, giá trị định giá hơi cao.
Shark Bình là người lên tiếng cuối cùng:
"Tôi nghĩ tôi là người hiểu bạn nhất. Bản chất mô hình kinh doanh này là Theme Park, công viên chủ đề, không khác gì với Vinpearl Safari Phú Quốc. Tôi cũng đã dùng dịch vụ của bạn rồi. Quan điểm của tôi ngược lại với Shark Liên, tôi cho rằng đây là mô hình kinh doanh bền vững.
Tôi đánh giá cao nhưng lời kêu gọi vốn của bạn có điểm yếu, mức định giá quá cao so với các mô hình Theme Park trên thế giới. Tỷ số rơi vào khoảng 13,36 lần, tức lợi nhuận năm nhân 13,36 thì ra định giá của doanh nghiệp. Với mức lợi nhuận 5 tỷ/năm thì rất tình cờ, con số định giá khoảng gần 70 tỷ, gần bằng mức giá bạn đã đầu tư. Chưa kể bạn có 2 điểm yếu là du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid, chúng ta chưa biết bao giờ mới thoát ra khỏi cơn khủng hoảng. Chưa kể điểm yếu là bạn kinh doanh 6 tháng thôi, còn 6 tháng nghỉ?"
CEO vội giải thích: "Không phải, trên biển sẽ chịu 2 mặt gió, vùng mặt Nam thì chỉ khai thác được 6 tháng, rồi chuyển sang mặt Bắc".
An tâm vì một điểm yếu đã được loại bỏ, ông chủ NextTech đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 20%
CEO Namaste đàm phán: "Hồi nãy Shark Bình bảo 20%, tính 21% cho dễ đi. Em discount cho Shark Bình 67% giá trị so với định giá hiện tại. Điều kiên là khi Shark exit thì startup được quyền ưu tiên với discount 50% so với định giá tại thời điểm đó".
Shark Bình: "Tôi đồng ý với mức độ discount so với giá trị doanh nghiệp tại thời điểm đấy là 25%. Chúng ta còn có thể bán lại cho các tập đoàn lớn hơn cơ mà".
Shark Hưng cũng đề nghị lại khoản đầu tư của mình, đổi thành 1 triệu USD cho 25% cổ phần, điều kiện sau 3 năm khi exit sẽ discount 50% so với định giá tại thời điểm đó, và nếu sau 5 năm startup không bảo toàn được vốn thì phải trả cho Shark Hưng mức IRR là 15%/năm.
CEO gạt phắt: "Thôi bỏ điều kiện sau đi Shark Hưng".
Tuy nhiên, Shark Hưng không đồng ý nên CEO Lê Quang Duy lại quay ra đàm phán với Shark Bình.
CEO Namaste: "1 triệu USD cho 14%, bỏ tất cả các điều kiện khác".
Shark Bình: "Với tôi 14% vẫn quá cao".
CEO Namaste lại xuống nước: "15% Shark Bình đầu tư nhé".
Shark Bình: 18%.
Đến đây, những tưởng CEO Namaste sẽ gật đầu đồng ý "chốt deal" nhưng ngược lại, anh từ chối đàm phán thêm và không nhận đầu tư từ cả 2 "cá mập".