Dự án Kuiper của Amazon hiện ra sao?
Dự án Kuiper, tham vọng của Amazon nhằm cạnh tranh với mạng lưới internet vệ tinh Starlink của Elon Musk, đang đối mặt với sự chậm trễ và chi phí đội lên đến 20 tỷ USD, so với mức cam kết ban đầu 10 tỷ USD.
Việc phóng các vệ tinh hoạt động đầu tiên của Kuiper đã hai lần bị trì hoãn trong năm 2024. Nguyên nhân chính đến từ đối tác sản xuất tên lửa United Launch Alliance (ULA), vốn đang ưu tiên thực hiện hai sứ mệnh của Lực lượng Không gian Mỹ. Bên cạnh đó, ULA cũng gặp sự cố kỹ thuật trong một nhiệm vụ hồi tháng 10, khiến lịch trình càng trở nên bất định.
Trong khi đó, Amazon đang chịu áp lực lớn khi phải đưa hơn 1.600 vệ tinh vào quỹ đạo trước tháng 7 năm 2026 để đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC). Công ty thậm chí có thể phải xin gia hạn thời hạn này.
Jeff Bezos, từng có mối quan hệ căng thẳng với Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, đã chọn cách tiếp cận hòa giải sau chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử gần đây.
Bezos đã công khai chúc mừng Trump trên nền tảng mạng xã hội và nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của Elon Musk rằng ông dự đoán Trump sẽ thua. Ngoài ra, Amazon đã đóng góp 1 triệu USD vào quỹ lễ nhậm chức của Trump, động thái nhằm xây dựng mối quan hệ tích cực với chính quyền mới.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bezos tỏ ra lạc quan về nhiệm kỳ thứ hai của Trump, gọi ông là “bình tĩnh và tự tin hơn so với lần đầu tiên.”
Donald Trump theo dõi SpaceX phóng chuyến bay thử nghiệm thứ sáu của tàu vũ trụ Starship
Jeff Bezos có đủ thời gian để xoay chuyển tình thế?
Một trong những thách thức lớn nhất của Kuiper là sự phụ thuộc vào ba dòng tên lửa mới: Vulcan của ULA, Ariane 6 của châu Âu và New Glenn do Blue Origin – công ty của Bezos – phát triển. Các dòng tên lửa này đều đang gặp vấn đề về tiến độ, khiến việc phóng vệ tinh của Kuiper bị trì hoãn.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng Kuiper vẫn có tiềm năng cạnh tranh nếu Amazon có thể khởi động dịch vụ vào năm 2025 như kế hoạch. S&P Global Ratings cho rằng thị trường còn đủ rộng để cả Kuiper và Starlink cùng phát triển, đặc biệt khi Amazon có lợi thế về tài chính và kinh nghiệm tiếp cận trực tiếp người dùng
Thời gian là yếu tố áp lực nhất với Amazon, khi FCC yêu cầu một nửa số vệ tinh trong đội hình hơn 3.230 chiếc của Kuiper phải hoạt động trước tháng 7 năm 2026. Tuy nhiên, một khi đưa được dịch vụ vào hoạt động, Kuiper có thể trở thành đối thủ thực sự của Starlink.
Mặc dù việc xin gia hạn thời hạn từ FCC thường không quá khó khăn, nhưng các yếu tố chính trị và áp lực từ chính quyền mới có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Bezos và Amazon cần tối ưu hóa sản xuất, đẩy nhanh tiến độ phóng vệ tinh và thuyết phục FCC để đảm bảo dự án không bị gián đoạn.