VN-Index ghi nhận một tuần giảm điểm khá mạnh dù cho có sự phục hồi trong phiên cuối tuần sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI điều chỉnh giảm so với kỳ vọng của giới đầu tư. Áp lực bán xuất hiện vào nửa cuối phiên chiều và cản trở đáng kể đà phục hồi kỹ thuật của thị trường sau những phiên giảm mạnh.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index ghi nhận 2 phiên giảm điểm và 3 phiên tăng điểm xen kẽ nhau trong tuần 7 - 11/11. Phiên giảm điểm mạnh hôm thứ Năm (10/11) với mức giảm gần 40 điểm và 170 cổ phiếu giảm sàn trên HOSE cũng đồng thời là phiên tạo nên xu hướng chính của của tuần giao dịch này.
Sau khi chỉ số CPI tháng 10 tại Mỹ được công bố, thị trường chứng khoán quốc tế ghi nhận xu hướng phục hồi mạnh và VN-Index cũng có những diễn biến đồng pha khi mở gap tăng hơn 12 điểm ngay từ đầu phiên thứ Sáu khiến cho sắc xanh bao trùm thị trường, mặc dù vậy HOSE vẫn ghi nhận 90 cổ phiếu giảm sàn.
Kết tuần, VN-Index giảm 42,62 điểm tương đương với 4,28% so với tuần trước xuống 954,53 điểm.
Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp trong tuần này với tổng giá trị đạt hơn 4.500 tỷ đồng, trong đó top cổ phiếu được khối ngoại mua ròng là VHM, KDH, DGC, SSI. Trong khi đó, NĐT cá nhân có tuần bán ròng 5.555 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì các cá nhân trong nước đã xả ròng 5.170 tỷ đồng.
NĐT cá nhân bán ròng toàn bộ các nhóm ngành trong tuần VN-Index lần tìm đáy mới
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với toàn bộ các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu bất động sản với giá trị lên tới 878 tỷ đồng.
Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản có một tuần giao dịch tương đối phân hóa với mức giảm toàn ngành là 7,7% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 18,71% toàn thị trường.
Tuần qua, hai bluechip thuộc rổ VN30 là NVL, PDR bị bán giải chấp mạnh nhưng thanh khoản không có dẫn đến ngày càng nhiều lượng cổ phiếu bị bán ra. DIG được giải cứu có thanh khoản nhưng việc giá liên tiếp giảm sâu cũng làm cho cổ phiếu này chưa dứt chuỗi giải chấp. Với ảnh hưởng của NVL, PDR, DIG, một loạt các cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm sàn như DXG, IDC, HQC…
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm bất động sản tăng trong tuần từ mức thấp trong vòng một năm, chỉ số giá giảm mạnh. Điều này cho thấy dòng tiền vào nhóm này đang tăng lên nhưng không đủ mạnh để hỗ trợ giá. Chỉ số dòng tiền của nhóm bất động sản tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở vùng thấp của một năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch yếu hơn.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 792 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng, 706 tỷ đồng ngành hóa chất, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như thực phẩm & đồ uống (603 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (537 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (369 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (322 tỷ đồng),….
DGC dẫn đầu top bán ròng
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện DGC của nhóm hóa chất với 282,6 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của tổ chức nội, tự doanh và NĐT nước ngoài.
Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu của Hóa chất Đức Giang, hai đại diện khác của nhóm phân bón, hóa chất là DPM và DCM lần lượt bị bán ròng 214,5 tỷ đồng và 182,6 tỷ đồng.
Tương tự, loạt cổ phiếu tài chính, ngân hàng cũng nằm trong top bán ròng, bao gồm CTG, SSI, VND, BID với giá trị 195 – 280 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như VHM (252,9 tỷ đồng), VNM (247,9 tỷ đồng), POW (216 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VPB của VPBank vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng đột biến 92 tỷ đồng cổ phiếu VPB, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (102,3 tỷ đồng) và nhà đầu tư nước ngoài (11,2 tỷ đồng).
Cùng chiều, cổ phiếu HDB của HDBank cũng được mua ròng 44,7 tỷ đồng. Tương tự loạt mã vốn hóa trung bình cũng nằm trong danh mục mua ròng như KDC, HSG, DIG, FIR, HDC, FTS với giá trị dưới 40 tỷ đồng.