Ông Toàn làm các thủ tục chuyển trả lại 2 tỷ đồng cho chủ nhân.
Ngày 18/9, Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết, ông Trần Quốc Toàn (SN 1976, ngụ tại phường 2, TP Bảo Lộc) đã trả lại 2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Huy Duẩn (ở TP.Bảo Lộc). Đây là số tiền ông Duẩn chuyển khoản cho người thân nhưng đã chuyển nhầm sang số tài khoản của anh Toàn.
Bất ngờ nhận được số tiền trên, ông Toàn đã liên hệ, trình báo sự việc tới Công an TP Bảo Lộc để trả lại người chuyển nhầm.
Sau sự việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, nếu như ai đó chuyển tiền nhầm vào tài khoản mà người nhận được không trình báo, rút tiền tiêu hết không trả chủ nhân số tiền thì bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, khi một người vô tình nhận tiền từ người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người đó phải có trách nhiệm trả lại cho người đã chuyển nhầm.
“Pháp luật quy định việc không trả lại số tiền chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Nghĩa vụ hoàn trả được quy định rõ tại Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể, Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu của tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người có quyền khác với tài sản đó”. – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội nói.
Theo luật sư Tiền, nếu không tìm được người cần trả tài sản thì người nhận được tài sản phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
“Đây là nghĩa vụ bắt buộc nên nếu người có nghĩa vụ không thực hiện thì bị coi là vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, hành vi có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự”. – luật sư Tiền nói.
Về xử lý hành chính, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình (144/2021/NĐ-CP). Theo đó, người có hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của người khác sẽ bị phạt tiền tử 5 đến 5 triệu đồng theo tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự? Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”.
Trường hợp số tiền chiếm giữ từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng, người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tại Khoản 1 Điều này với khung hình phạt là phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạt tù từ 1 năm - 5 năm trong trường hợp phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc tài sản là bảo vật quốc gia.
“Người nhận chuyển tiền nhầm từ người lạ thì trước tiên phải thông báo cho ngân hàng biết. Sau đó cùng ngân hàng thực hiện các bước đến tìm chủ sở hữu hợp pháp hoàn trả.
Nếu vô tình nhận tiền chuyển nhầm từ một tài khoản lạ thì phải tìm cách hoàn trả chứ không nên tự ý sử dụng để tránh vi phạm pháp luật, nếu không tìm thấy chủ sở hữu phải liên hệ với công an.
Còn người chuyển nhầm tiền cũng cần liên hệ ngân hàng và bên nhận tiền để giải quyết. Trường hợp người nhận cố tình không trả lại và sử dụng, chiếm đoạt số tiền đó, bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm ra cơ quan công an, yêu cầu xử lý người này về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản””, luật sư Tiền khuyến cáo.