Toàn cảnh thị trường vàng
Từ đầu năm tới nay, giá vàng trong nước liên tục "nhảy múa" theo đà tăng và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Có thời điểm giá vàng miếng SJC bán ra cao kỷ lục ở mức 92,4 triệu đồng/lượng và mua vào 90,1 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm cao điểm này, Bảo Tín Minh Châu, giá vàng chạm đỉnh ở chiều bán ra 91,75 triệu đồng/lượng và mua vào 90 triệu đồng/lượng; PNJ niêm yết giá vàng miếng ở chiều bán là 92,2 triệu đồng/lượng và mua vào 89,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước leo cao có những lúc chạm mức 92 triệu đồng/lượng dấy lên lo ngại mức độ chênh quá cao so với thị trường quốc tế khi giá vàng giao ngay niêm yết ở mức 2379,1 USD/lượng (xấp xỉ 60 triệu đồng).
Sở dĩ giá vàng chênh lệch như vậy là bởi theo Nghị định 24, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ, vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu quốc gia và doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng, không được dập vàng miếng. Nghị định góp phần quản lý hoạt động kinh doanh vàng suốt 12 năm qua, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhưng đồng thời quy định này cũng gây ra một số bất cập, khiến nguồn cung bị giới hạn trong khi cầu luôn ở mức cao, chênh lệch với giá vàng quốc tế ngày càng lớn khiến tình trạng nhập lậu vàng ngày càng dai dẳng. Chênh lệch giá lên tới 20-30 triệu đồng/lượng khiến không ít đối tượng tìm đủ mọi cách để vận chuyển vàng qua biên giới nhằm trục lợi, thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Kiến nghị xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng
Nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp đã kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng, nới lỏng nguồn cung bằng cách cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất nếu đủ điều kiện.
Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ, Chuyên gia Kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng: "Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông."
Vị tiến sĩ cho rằng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát thị trường vàng bằng thuế. Việt Nam cũng dễ dàng nhập khẩu vàng từ các nước Singapore, Hong Kong, Thái Lan… Điều này cũng ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng qua đường biên giới, khi đó giá vàng trong nước và thế giới không còn chênh lệch quá nhiều.
Độc quyền vàng miếng còn khiến chính doanh nghiệp sở hữu thương hiệu vàng miếng quốc gia bị ảnh hưởng. Đây là phát biểu của Tổng giám đốc SJC, bà Lê Thúy Hằng tại họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP HCM chiều 16/5.
Bà Thúy Hằng cho biết: "Độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC, thậm chí doanh nghiệp còn bị mang tiếng trục lợi, dù giá chênh lệch 15-20 triệu đồng hay hơn nữa công ty cũng không được lợi."
Theo nữ lãnh đạo này, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm mạnh vì SJC không được làm vàng miếng. Từ năm 2012, mức lãi chỉ còn vài chục tỷ đồng. Doanh nghiệp phải chuyển hướng làm vàng nữ trang và mới chỉ có lời 6 năm trở lại đây.
Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng cần giải pháp thị trường đồng bộ. Ông cũng cho rằng, cần xóa bỏ độc quyền vàng và tăng nhập khẩu, mở ra nhiều kênh đầu tư cho người dân. Thêm nữa, cần tăng lãi suất huy động để người dân chuyển hướng sang gửi tiết kiệm thay vì đầu tư vàng.
"Khi lãi suất huy động thấp, người dân sẽ không mang tiền gửi ngân hàng mà đổ vào các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán… khiến cho kênh vàng lại tiếp tục tăng."
Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước là chủ thể điều tiết thị trường, không phải người tham gia thị trường, không phải nhập khẩu, kinh doanh như lâu nay.
Giải pháp của Nhà nước
Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách để giảm chênh lệch giá và ổn định thị trường vàng. Trong số đó là đấu thầu vàng để tăng nguồn cung và ban hành quy định ngăn chặn nhập lậu vàng.
Trong phiên đấu thầu vàng ngày 16/5, 11 doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn bao gồm SJC, PNJ, DOJI… đã trúng thầu. Tính đến nay, NHNN đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Trong đó, có 4 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27,2 nghìn lượng. Ba phiên trước không thành công do không đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ phiếu.
Ngày 14/5 vừa qua, Bộ trưởng bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan hải quan chủ động, thường xuyên kiểm tra, điều tra, tổ chức đấu tranh, kịp thời ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.