Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch, bù trừ và thanh toán, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (non pre-funding) khi đặt lệnh như trước đây.
Để thực hiện, các công ty chứng khoán phải đánh giá năng lực của khách hàng nhằm xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận. Nếu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền, công ty chứng khoán sẽ thanh toán phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh của mình. Đơn vị này cũng sẽ phải bán ngay khi chứng khoán về tài khoản.
"Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài", thông tư mới quy định.
Bộ Tài chính cũng chỉ rõ ngân hàng nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán sẽ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền thiếu hụt nếu xác nhận sai số dư tiền gửi của khách hàng với công ty chứng khoán, dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán.
Nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% tiền giao dịch được xem là nút thắt lớn nhất trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Các chuyên gia và đơn vị phân tích đều cho rằng yêu cầu này gây khó khăn và ảnh hưởng lợi ích nhà đầu tư ngoại vì giao dịch thành công hay không, họ vẫn phải chịu ảnh hưởng từ chênh lệch tỷ giá, đặc biệt là các tổ chức đầu tư lớn.
Trên thế giới, hiện còn rất ít thị trường sử dụng cơ chế ký quỹ trước khi giao dịch. Thay vào đó, họ sử dụng tài sản đảm bảo để giảm thiểu rủi ro.
Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Thị trường chứng khoán đang được hai tổ chức MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi.
Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế, hai nhóm vấn đề cần thay đổi là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Việc hạn chế "room" ngoại chỉ nên áp dụng với những ngành thực sự cần thiết. Tính toán của World Bank cho thấy nâng hạng có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam tới 2030.
Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ đạt 100% GDP năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản hai năm tới và 11 triệu tài khoản năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.