Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48/63 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm nay.Trong đó, 10 địa phương có tổng vốn thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước lần lượt là Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương, Thái Nguyên. Đáng chú ý, trong danh sách này có tới 6 địa phương có tổng vốn thu hút đầu tư đạt trên 1 tỷ USD.
Bắc Ninh đạt 2,58 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư cả nước
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh thu hút tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,58 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3,1 lần cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư của Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm nay và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do có dự án điều chỉnh vốn lớn với dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Singaporetổng vốn 1,07 tỷ USD.
Về số vốn đăng ký cấp mới, trong 6 tháng đầu năm nay, địa phương này cũng thu hút hơn 1,1 tỷ USD, với 224 dự án đầu tư nước ngoài, tăng gấp 1,9 lần, đứng thứ 3 cả nước; cấp chứng nhận điều chỉnh vốn cho 87 dự án, tổng vốn điều chỉnh tăng 1,526 tỷ USD.
Trên địa bàn tỉnh có 32 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị là 36,26 triệu USD.
Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.349 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp hơn 27 tỷ USD.
Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút tổng vốn đầu tư đăng ký 1,54 tỷ USD
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đứng thứ hai trong thu hút FDI nửa đầu năm. Tỉnh này tiếp tục duy trì mức tăng cao cả về số dự án và số vốn đầu tư.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn ước đến tháng 6 cho 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,662 tỷ USD, đạt hơn 83% kế hoạch năm 2024, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó có 20 dự án FDI đăng ký mới, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1,533 tỷ USD, tăng gấp 42 lần so với cùng kỳ. 11 dự án điều chỉnh tăng vốn đạt trên 134 triệu USD, bằng 78,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tỉnh này cũng chấp thuận 4 hồ sơ góp vốn, mua cổ phần với tổng trị giá 12 triệu USD. Luỹ kế đến tháng 6 này, trên địa bàn tỉnh có 570 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 36,3 tỷ USD.
Quảng Ninh có tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,36 tỷ USD
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ninh có 23 dự án cấp mới với số vốn 1,358 tỷ USD. Kể từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 104 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp hơn 14,5 tỷ USD.
Hà Nội thu hút gần 1,182 tỷ USD vốn FDI
6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố thu hút gần 1,182 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn đạt 1,036 tỷ USD; 79 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 55,6 triệu USD; 102 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt gần 90 triệu USD.
Luỹ kế đến tháng 6 năm nay, Hà Nội có 7.462 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 43,4 tỷ USD,chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư trên cả nước.
Hải Phòng có 1,137 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư
Tính đến ngày 20/6, Hải Phòng có 970 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 30,47 tỷ USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế có 561 dự án, vốn đầu tư 26,78 tỷ USD và 409 dự án thuộc khu vực ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có vốn đầu tư 3,69 tỷ USD.
Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến ngày 20/6 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh tăng và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,137 tỷ USD.
Luỹ kế đến tháng 6 này,Hải Phòng đã cấp đăng ký đầu tư cho 1165 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 30 tỷ USD.
TP HCM thu hút 1,121 tỷ USD vốn FDI
Trong 6 tháng đầu năm, đầu tàu kinh tế của cả nước thu hút được 597 dự án đăng ký cấp mới với số vốn đăng ký gần 193 triệu USD; 79 dự án đăng ký tăng thêm 107 triệu USD. Trên địa bàn thành phố có 1015 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị là 821,3 triệu USD.
Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM tính từ đầu năm đến ngày 20/6 đạt 1,121 tỷ USD. Luỹ kế đến ngày 20/6, TP HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với hơn 57,8 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, riêng trong tháng 6 đã ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm vượt trội so với các tháng đầu năm, với gần 1,9 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng. Từ đó, góp phần làm tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng tăng tới 35% thay vì giảm liên tục so với cùng kỳ trong các tháng trước đó.
Theo đánh giá của Cục, vốn đầu tư vẫn tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã 79,5% số dự án mới và 77,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.