Tài chính

Từ lò gạch tới VinUni: Nữ sinh phá vỡ định kiến “con nhà giàu” mới vào được ĐH của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Ảnh: NVCC/TK - HL

Ảnh: NVCC/TK - HL

Nguyễn Thị Châu Anh (SN 2001, tại Hà Tĩnh) là một trong những tân khoa xuất sắc nhất vừa tốt nghiệp ĐH VinUni. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn và nụ cười tươi rói này lại trải qua một hành trình không hề trải hoa hồng để từng bước trả lời cho câu hỏi to đùng luôn đau đáu trong đầu về một cuộc sống mà ba mẹ đỡ vất vả hơn.

Thay vì vào ĐH ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3 như bạn bè đồng trang lứa, Châu Anh đã tạm dừng học 2 năm tại TP HCM (gap year) để vừa làm việc, vừa tìm kiếm hướng đi cho mình.

"Gia đình em không khá giả, nhưng luôn đầy ắp tình thương và niềm tin. Là con gái, chọn đi xa, gap year 2 năm là không dễ để ba mẹ đồng ý. Nhưng em luôn chia sẻ rõ ràng với ba mẹ từ lớp 12: học gì, làm gì để tự trang trải cuộc sống. Ba mẹ lắng nghe, góp ý, nhưng luôn tôn trọng quyết định của em. Sau năm gap year thứ nhất – giữa mùa Covid-19, bố mẹ bắt đầu lo lắng và gọi điện nhiều hơn, nhưng chưa từng ngăn cản", Châu Anh kể.

"Có thể nhiều người nghĩ đó là liều lĩnh, nhưng tại thời điểm đó, em đã chuẩn bị rất kỹ cho hành trình này. Việc gap year không phải là vì em không cần đi học. Em muốn tiếp xúc với thị trường lao động thật sớm để định hướng rõ cho mục tiêu phát triển của bản thân.

Tại TP HCM, em tham gia chống dịch Covid-19 cùng lực lượng tình nguyện của Thành đoàn TP HCM, rồi bén duyên với hệ sinh thái khởi nghiệp. Chính thời gian đó đã thôi thúc em nộp đơn vào VinUni".

Và rồi, hai năm "gap year" của Châu Anh cũng đơm hoa kết trái khi em chính thức trở thành sinh viên Viện Kinh doanh Quản trị của VinUni.

 - Ảnh 1.

Châu Anh rạng rỡ trong khoảnh khắc nhận bằng tốt nghiệp tại ĐH VinUni.

Trong 4 năm ở VinUni, Châu Anh vừa học vừa làm không ngừng nghỉ. Nữ sinh này từng đảm nhiệm vai trò trợ lý cho Shark Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch InnoEx, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ TP HCM, đồng thời là trợ lý cho CEO của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC. Châu Anh cùng đồng đội còn là đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam giành giải Nhất tại chương trình đổi mới sáng tạo do Sở KH&CN TP HCM và Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức.

Những vị trí này mang tới cho cô gái trẻ nhiều cơ hội được từng làm việc cùng các CEO và chuyên gia quốc tế khi mới chỉ là sinh viên năm nhất.

"Em từng kiệt sức, áp lực, bật khóc… nhưng em không muốn bỏ cuộc"

 - Ảnh 3.

Châu Anh hạnh phúc trong vòng tay của ba mẹ vào đúng ngày lễ tốt nghiệp.

Châu Anh chia sẻ: "Em bắt đầu đi làm từ rất sớm. Mỗi kỳ nghỉ giữa các môn, em bay vào TP HCM để tiếp tục công việc".

Tân khoa của Viện Kinh doanh quản trị chia sẻ, lịch học ở VinUni rất căng, nhưng nhà trường rất linh hoạt, tạo điều kiện để sinh viên vừa hoàn thành tốt việc học, vừa theo đuổi được đam mê công việc. Hơn nữa, may mắn là công ty nơi Châu Anh làm việc cũng hiểu, hỗ trợ và cho phép bạn được làm việc từ xa để có thể tốt nghiệp đúng hạn.

Dù nhiều năng lượng và nhiệt huyết với cả việc học và việc làm, nhưng đôi khi Châu Anh cũng không tránh khỏi những lúc rơi vào tình trạng cảm thấy kiệt sức.

"Có những khoảnh khắc em thực sự thấy kiệt sức. Như kỳ học đầu tiên, em vừa làm việc toàn thời gian, vừa tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương, lại học online theo chương trình của VinUni và hoàn thành thêm một khóa học quốc tế. Có lần họp nhóm chuẩn bị bài thuyết trình, vừa tắt màn hình xuống, em bật khóc, vì mệt, vì áp lực. Nhưng trên hết… em biết mọi áp lực ở độ tuổi này đều là cơ hội. Đó là lựa chọn của mình, muốn được học hỏi nhiều hơn, với tốc độ nhanh hơn", Châu Anh nhớ lại.

 - Ảnh 5.

Châu Anh và Giáo sư Soumitra Dutta – Hiệu trưởng Saïd Business School, Oxford trong ngày lễ tốt nghiệp.

Chính sự quyết tâm này đã dần dà giúp Châu Anh học cách cân bằng và mỗi ngày cố gắng "nới rộng" thêm giới hạn của bản thân, học cách để trở nên kiên cường bước qua thử thách.

Điều tuyệt vời là trong mỗi bước đi trên hành trình của mình, Châu Anh luôn có bạn bè và thầy cô đồng hành. Họ là những người tin tưởng, đồng hành và trao quyền cho sinh viên.

Ở VinUni, Châu Anh kể, cô bạn không chỉ được học tập từ giáo trình hiện đại mà còn có cơ hội gặp gỡ những nhà khoa học, chuyên gia kiệt xuất, tầm vóc thế giới, như Giáo sư Soumitra Dutta – Hiện là Hiệu trưởng Saïd Business School, Oxford.

Nữ sinh tài năng luôn trân quý những cơ hội đến với mình

 - Ảnh 7.

Châu Anh học hỏi được rất nhiều điều từ hai người sếp là Shark Phi - Chủ tịch InnoEx và CEO BSSC - Nguyễn Thị Diệu Hằng.

Khi PV hỏi về những kinh nghiệm quý báu và những kỷ niệm khó quên nhất trong quá trình đi làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường của mình, Châu Anh luôn bày tỏ sự trân quý với những cơ hội đã đến với mình.

Khi làm việc với Shark Phi - Chủ tịch InnoEx, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ TP HCM , Châu Anh được truyền cảm hứng thông qua sự quyết liệt trong các quyết định.

"Chị Phi có khả năng kết nối nhiều nguồn lực, truyền động lực rất tốt. Điều chị Phi tác động nhiều nhất đến em là sự quyết liệt trong các quyết định. Một khi đã muốn làm gì, bạn cần biết cách kết nối nguồn lực đa tầng để hiện thực hóa nó bằng mọi giá, với chất lượng tốt nhất", Châu Anh chia sẻ.

Trong khi đó, CEO BSSC - Nguyễn Thị Diệu Hằng lại là người dạy Châu Anh cách làm việc có hệ thống, theo chiều sâu, đưa ra những quyết định sắc bén và tạo ảnh hưởng đến cộng đồng.

Từ hai người sếp giỏi giang, Châu Anh học được cách ra quyết định, giữ được giá trị sống trong từng hành động và biết cách truyền cảm hứng cho người khác, dù ở vị trí nào.

Trong vai trò là Quản lý Tăng trưởng, Châu Anh phụ trách phát triển thị trường cho Graphenel - startup công nghệ vật liệu mới, với các sản phẩm được làm từ mỡ động vật, ứng dụng trong bê tông, lớp sơn và vật liệu xây dựng.

Châu Anh cho hay: "Với công việc này, em đóng vai trò như một "phiên dịch" - chuyển ngôn ngữ khoa học sang ngôn ngữ kinh doanh, giúp các đối tác, khách hàng và nhà đầu tư hiểu rõ và tin tưởng vào sản phẩm."

 - Ảnh 9.

Ngay từ khi chưa tốt nghiệp ĐH, Châu Anh đã có nhiều kinh nghiệm làm việc tại nhiều doanh nghiệp và tiếp xúc với hàng nghìn startup hàng năm.

Châu Anh kể, cô bạn bắt đầu tự độc lập tài chính từ năm 18 tuổi. Ở thời điểm đại dịch Covid-19 lan khắp Việt Nam, Châu Anh từng ăn mì gói trong suốt 2 tháng để dành dụm tiền, phòng khi cần mua vé máy bay về thăm ba mẹ trong tình huống khẩn cấp. Những ngày tháng khó khăn đó cũng là lúc cô gái này cảm nhận được rõ nhất sự yêu thương cùng những cơ hội mà mọi người trao cho mình.

"Bản thân em hiểu rõ, tại thời điểm bắt đầu, mình còn rất trẻ với những công việc đòi hỏi chuyên môn và kinh nghiệm cao như vậy. Tuy nhiên, các anh chị đã tạo điều kiện, trao quyền để em được học, làm việc và nỗ lực không ngừng".

"Em luôn biết ơn vì điều đó và em chọn cách 'trả ơn bằng cách trao đi'. Em thường xuyên tham gia các dự án hỗ trợ startup, hay các chương trình cộng đồng. Chỉ cần một cơ hội đúng thời điểm đôi khi có thể thay đổi cả một cuộc đời. Và nếu em từng nhận được điều đó thì em cũng muốn mang nó đến cho người khác", Châu Anh bày tỏ.

Tại thời điểm hiện tại, với các vị trí mình đang làm việc, Châu Anh có cơ hội được biết đến và trao đổi với hơn 2.000 startup trong và ngoài nước mỗi năm. Điều này giúp cô gái này hiểu rất rõ rằng khởi nghiệp là một hành trình không dễ dàng và không phải ai cũng đi được đến cuối.

 - Ảnh 10.

Châu Anh luôn trân trọng từng cơ hội đến với mình.

Châu Anh nói: "Em thực sự ngưỡng mộ những người có thể lèo lái một startup đi đến thành công, vì họ không chỉ cần năng lực chuyên môn, mà còn phải có ý chí kiên cường và niềm tin bền bỉ vào con đường mình chọn. Để bắt đầu một hành trình khởi nghiệp, em nghĩ cần có "duyên" và hơn hết là cần có đủ năng lực, đủ khiêm tốn để học hỏi, và đủ kiên trì để bước tiếp khi mọi thứ không như kỳ vọng. Nếu có một ngày em khởi nghiệp, đó sẽ không phải vì em muốn "bắt đầu cho có", mà vì em đã sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng với điều mình tạo ra – cả về giá trị, con người, lẫn tác động xã hội".

"Em chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể đi xa được đến như vậy"

 - Ảnh 11.

Từ cô bé 7 tuổi năm nào, Châu Anh đã phá vỡ định kiến "con nhà giàu" học VinUni.

Từ một cô bé 7 tuổi từng chứng kiến ba mẹ làm việc trong lò gạch giữa nắng nóng, đến hôm nay – được học tập trong một môi trường quốc tế mơ ước, là cả một hành trình dài. "Em chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể đi xa được đến như vậy. Đây không phải kết thúc, mà là một khởi đầu mới. Em biết mình cần phải tiếp tục học hỏi, thật khiêm nhường, và không ngừng rèn luyện để những gì mình học được có thể trở thành giá trị thật sự cho cộng đồng", Châu Anh cho hay.

 - Ảnh 12.

Châu Anh và mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp ĐH VinUni.

Nhắc tới gia đình mình, Châu Anh chia sẻ: "Đó là hành trình nỗ lực của những người phụ nữ đến từ nhiều thế hệ: Bà của em đã dành một đời ở bếp núc và ruộng đồng để con gái bà có thể theo đuổi con chữ. Rồi với đôi bàn tay thô ráp, mẹ đã làm lụng cả đời, gánh gồng ước mơ em. Để hôm nay, bàn tay con gái mẹ có thể được làm việc với giấy bút và những con người tài năng nhất".

Châu Anh mong rằng những thế hệ sau trong gia đình mình và cả những bạn trẻ khác có xuất phát điểm giống mình sẽ được lớn lên trong môi trường tốt hơn, được tự do thể hiện trọn vẹn khả năng và giá trị nhân văn của mình. Cô bạn cũng xin cảm ơn tất cả các bậc phụ huynh khác – những người đã tin tưởng để các bạn, thế hệ sinh viên hôm nay kiên trì và vững bước vào tương lai. Những sự hy sinh này là không thể đong đếm được.

(Ảnh: NVCC)

Các tin khác

Chứng khoán lập đỉnh mới

VN-Index tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới - 1.415 điểm. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, vốn nội, ngoại cùng giải ngân, trong đó, khối ngoại duy trì chuỗi 5 phiên liên tiếp mua ròng.

"Tài khoản ngân hàng chính đăng ký thuế nếu có giao dịch sai phạm, tất cả tài khoản liên quan của hộ kinh doanh có thể bị kiểm tra, truy thu"

Trước bối cảnh chính sách thuế ngày càng hoàn thiện và siết chặt minh bạch, vị chuyên gia cho rằng, hộ kinh doanh nên cân nhắc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp để vừa được hưởng các chính sách ưu đãi thuế, vừa thuận lợi trong việc mở rộng quy mô và tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Xuất khẩu rau quả "nín thở" chờ tăng tốc cuối năm

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt chỉ tiêu xuất khẩu rau quả năm nay đạt trên 7,6 tỉ USD. Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm, ngành hàng rau quả xuất hiện những tín hiệu chờ tăng tốc những tháng cuối năm.

Đại sứ Mỹ: Việt Nam là đối tác tuyệt vời trong đàm phán thuế đối ứng

Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong nhà lãnh đạo đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng. Việc lãnh đạo của hai nước trao đổi liên tục và ở cấp cao phản ánh chất lượng của mối quan hệ Việt – Mỹ, cho thấy sự tôn trọng của Mỹ đối với Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định.