Kỹ năng sống

Từ khảo sát 53% trẻ thường xuyên tự hủy hoại bản thân, chuyên gia giáo dục: "Áp lực của học sinh không nằm ở độ khó của kỳ thi mà ở kỳ vọng của phụ huynh"

Những ngày gần đây, khảo sát có tên "Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam Việt Nam" của Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh - Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã nhận được nhiều sự chú ý.

Theo khảo sát, có đến 53,1% trẻ thực hiện tự hủy hoại bản thân ở mức trung bình, ở mức này xu hướng biểu hiện là trẻ thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân thường xuyên (từ 8 đến 11 lần) trong 1 năm, để lại hậu quả nghiêm trọng; 41,3% hành vi ở mức nhẹ, xu hướng biểu hiện là trẻ thực hiện thỉnh thoảng 5 đến 7 lần trong 1 năm, để lại hậu quả ít nghiêm trọng. Cuối cùng, có 5,6% trẻ tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, xu hướng thực hiện thường xuyên (từ 12 lần trở lên), để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tương tự, một khảo sát khác của nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ - khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho kết quả có đến 8 trong số 400 trẻ vị thành niên ở TP.HCM tham gia khảo sát có điểm trung bình của ý định tự sát ở mức độ cao (mức độ 4). Đáng chú ý, tất cả học sinh này đều có học lực khá, giỏi (ba học sinh giỏi).

Có thể thấy, sức khỏe tinh thần của học sinh đang ngày càng phức tạp. Học sinh có dấu hiệu lo âu, trầm cảm, thậm chí là có khuynh hướng tự hủy hoại bản thân đang ngày càng tăng. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thu Hương – chuyên gia tâm lí, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của TS Vũ Thu Hương nhé!

Từ khảo sát 53% trẻ thường xuyên tự hủy hoại bản thân, chuyên gia giáo dục: Áp lực của học sinh không nằm ở độ khó của kỳ thi mà ở kỳ vọng của phụ huynh - Ảnh 1.

TS Vũ Thu Hương

Vì đâu nên nỗi?

Chào TS Vũ Thu Hương, dạo gần đây trên MXH đang xôn xao về khảo sát có đến 53% trẻ thường xuyên tự hủy hoại bản thân. Trước thông tin này, nhiều người vẫn còn khá mơ hồ về khái niệm "tự hủy hoại bản thân". Vậy, bà có thể tái định nghĩa lại khái niệm này được không? Và việc “tự hủy hoại bản thân” có thể được biểu hiện qua những cách thức nào?

Khi tâm trạng của một người nào đó xuống quá thấp, người đó sẽ có xu hướng mong có một cảm giác gì đó đổi khác để họ thấy dễ chịu hơn. Các hành vi tự hủy hoại bản thân sẽ mang lại cho họ cảm giác này dù nó gây hại cho sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của họ.

Tự hủy hoại bản thân không chỉ có tự sát mà bao gồm cả tạo ra thương tích, ăn uống hoặc tập luyện quá độ khiến cho người bệnh kiệt sức đến... cùng cực. Tất cả các hành vi này đều nhằm mục đích tạo ra các cảm giác "lạ" khiến người bệnh quên đi những ức chế mình đang có hoặc mong muốn người khác buộc phải quan tâm.

Từ khảo sát 53% trẻ thường xuyên tự hủy hoại bản thân, chuyên gia giáo dục: Áp lực của học sinh không nằm ở độ khó của kỳ thi mà ở kỳ vọng của phụ huynh - Ảnh 2.

Vậy theo bà, đâu là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng học sinh ngày càng có dấu hiệu lo âu, trầm cảm, thậm chí là có khuynh hướng tự hủy hoại bản thân như hiện nay?

Khi xã hội phát triển, diện tích bê tông hóa quá rộng, con người sẽ thiếu đi môi trường tự nhiên để giải tỏa năng lượng và hòa nhập. Chính lý do này cộng với sự can thiệp quá sâu vào cuộc sống của các thiết bị điện tử và các áp lực học tập, mâu thuẫn giữa học sinh với các mối quan hệ xung quanh đã khiến học sinh và sinh viên hiện nay phải đối diện với những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Áp lực học tập của học sinh không nằm ở độ khó của các kì thi mà nằm ở chính các kỳ vọng của các phụ huynh. Dù kì thi có dễ đến đâu nhưng phụ huynh đòi hỏi vị trí đầu bảng thì học sinh vẫn sẽ bị áp lực vô cùng nặng nề. Đó là chưa kể mâu thuẫn giữa các thế hệ, giữa bản thân với bạn bè, thầy cô giáo, bố mẹ, anh chị em trong gia đình hoặc cách sống thiếu các hoạt động tập thể cũng có thể khiến giới trẻ rơi vào tình trạng có vấn đề về tâm lý.

Khi họ bất lực với chính cảm xúc của mình, họ dễ dàng tìm đến các hành vi tự hủy mà phổ biến nhất là tình trạng tự làm đau chính mình. Cảm giác đau đớn sẽ khiến họ quên đi những ức chế tinh thần trong giây lát.

Từ khảo sát 53% trẻ thường xuyên tự hủy hoại bản thân, chuyên gia giáo dục: Áp lực của học sinh không nằm ở độ khó của kỳ thi mà ở kỳ vọng của phụ huynh - Ảnh 3.

Trong quá trình tiếp xúc với các bạn nhỏ, tiến sĩ đã từng tiếp nhận những trường hợp nào mà các em có dấu hiệu trầm cảm hay tự hủy hoại bản thân hay chưa?

Tôi đã từng nhiều lần gặp gỡ các bạn học sinh chưa ổn định về mặt tâm lý. Họ thường khá ngại ngần và ấp úng dù rõ ràng là họ khát khao, mong đợi được chia sẻ. Sau rất nhiều các biện pháp tâm lý, chúng tôi mới có thể phá bỏ sự ngại ngùng đó để được lắng nghe những chia sẻ của các em.

Một trong những trường hợp mà tôi nhớ nhất chính là một bạn học sinh của một trường chuyên với sức học rất... ấn tượng. Vì không quen với sự thất bại trong học tập, nên lần đầu va vấp, bạn ý đã rơi vào trạng thái trầm cảm. Bạn ức chế đến mức đã rạch khá nhiều các vệt dài trên 2 cánh tay trắng trẻo. Điều bế tắc của bạn chính là sự khó khăn khi lựa chọn các con đường phát triển. Khi chúng tôi tìm ra lối đi phù hợp cho bạn, bạn đã ngay lập tức thay đổi nét mặt, tươi tỉnh và vui vẻ.

Khi trở về nhà, bạn đã lấy lại được niềm vui và sự hào hứng học tập, bạn đã gặt hái ngay được những thành công ngoài mong đợi. Rõ ràng khi nhận được trợ giúp kịp thời, các bạn học sinh đang có vấn đề tâm lý sẽ dễ dàng thoát khỏi áp lực mà không để lại hậu quả gì.

Từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình điều trị và "gỡ rối" cho những bạn trẻ đang có vấn đề về tâm lý, theo bà, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần đóng một vai trò quan trọng như thế nào cho sự phát triển của người trẻ nói chung và học sinh nói riêng?

Bên cạnh sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng vô cùng quan trọng đối với một con người. Khi một ai đó cảm thấy buồn chán, mất hết niềm vui sống, niềm vui phấn đấu và học tập, họ không những bị suy giảm các khả năng hoạt động mà còn gây ra những áp lực cho những người xung quanh.

Tâm lý là một lĩnh vực rất phức tạp. Những tác động tâm lý thường không biên giới, dễ gây ảnh hưởng khắp nơi, khắp mọi thành phần xã hội. Nếu như trước đây, tầm ảnh hưởng sẽ bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý thì hiện nay, mạng xã hội đã khiến nó lan tỏa đi khắp nơi. Ví dụ: Một người bị mắc chứng hoang tưởng và trầm cảm có thể làm ảnh hưởng đến rất nhiều người khác khi họ đăng tải các bài viết hoặc video diễn tả cảm xúc của chính mình.

Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng làm suy giảm sức lao động và học tập của thanh thiếu niên và khiến các vụ việc tự sát hoặc hành hung người khác hết sức đau lòng gia tăng. Đó là chưa kể khi một nhân vật bất ổn tâm lý cũng đã có thể gây ra những tai họa thảm khốc cho những người xung quanh. Ngoài ra, tâm lý không ổn định còn khiến thanh thiếu niên chạy theo các trào lưu hay thử thách nguy hiểm.

Vì tất cả những lý do trên, chắc chắn chúng ta phải quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.

Từ khảo sát 53% trẻ thường xuyên tự hủy hoại bản thân, chuyên gia giáo dục: Áp lực của học sinh không nằm ở độ khó của kỳ thi mà ở kỳ vọng của phụ huynh - Ảnh 4.

Hiện nay, số học sinh có dấu hiệu lo âu, trầm cảm, thậm chí là có khuynh hướng tự hủy hoại bản thân đang ngày càng gia tăng. Nếu không có những biện pháp khắc phục, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tình trạng trên?

Cuộc sống của giới trẻ ngày nay rất đơn điệu. Các bạn chủ yếu chỉ học tập và tham gia thế giới ảo. Chính cuộc sống thiếu các hoạt động trải nghiệm, các giải trí, các hoạt động cộng đồng đã khiến các bạn cảm thấy nhàm chán, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.

Để giải quyết tình trạng này, chúng ta nhất thiết phải tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động cộng đồng, các buổi sinh hoạt thể thao, sinh hoạt nghệ thuật cho giới trẻ. Điều cần thiết là làm cách nào để tạo thành các phong trào lớn, thu hút gần như toàn bộ các bạn học sinh tham gia. Những hoạt động đó sẽ tạo ra các làn gió mới, giải phóng năng lượng dư thừa của các bạn và kéo các bạn học sinh ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực.

Ngoài ra, những địa chỉ đáng tin cậy để giới trẻ tìm đến khi đang gặp các vấn đề về tâm lý và cảm xúc cũng là một phương án hiệu quả để giải quyết những bất ổn tâm lý cho học sinh. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tư vấn, hỗ trợ các phụ huynh có thêm kiến thức về tâm lý giới trẻ để các cha mẹ có thể thay đổi cách ứng xử cũng như giáo dục con cho phù hợp với các bạn.

Tầm quan trọng của việc thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường?

Nhiều người cho rằng, việc thành lập các tổ tư vấn học đường sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng lo âu, trầm cảm của học sinh hiện nay, bà nghĩ sao về ý kiến này?

Vấn đề tâm lý rất phức tạp và hậu quả dài lâu. Nếu chỉ có duy nhất sự tồn tại của tổ tư vấn học đường thì chẳng giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn. Hơn nữa, giải quyết tận gốc đòi hỏi phải cả một quá trình tìm hiểu nguyên nhân, phân tích rõ ràng các tác động mới có thể tìm ra các biện pháp xử lý.

Đó là chưa kể hiệu quả của tổ tâm lý học đường còn phụ thuộc vào trình độ của nhân viên sự trách. Nếu đó là giáo viên kiêm nhiệm, không có kiến thức tâm lý đầy đủ thì hiệu quả không thể cao.

Thực tế, vào năm 2017, Bộ GD-ÐT đã ban hành Thông tư số 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, nhưng tới nay công tác này không có nhiều chuyển biến. Phải chăng việc tham vấn tâm lý cho học sinh đang khá... hời hợt?

Tổ tâm lý học đường được đặt trong trường là một hạn chế lớn nếu như bức xúc của học sinh đến từ trường lớp. Tâm lý e ngại khi học sinh cho rằng chuyện của mình có thể bị đánh giá hoặc lan truyền trong trường lớp sẽ khiến các em không dám đến gần tổ tư vấn.

Ngoài ra, có một bộ phận trường học coi nhẹ việc này, bố trí giáo viên tổng phụ trách đảm nhận vị trí tư vấn tâm lý. Rõ ràng khi các trường không thật sự quan tâm, hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn sẽ rất hạn chế.

Có những lưu ý nào để đảm bảo việc thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường được đưa vào hoạt động thành công và hiệu quả?

Các tổ tư vấn học đường phải là địa chỉ quan trọng để học sinh tìm đến khi các bạn gặp các vấn đề về tâm lý. Khi gia đình và nhà trường đều không phải là chỗ dựa tinh thần và có thể tìm kiếm tiếng nói chung, các học sinh có thể tìm đến một nơi thứ ba để trút toàn bộ các ức chế, mệt mỏi mà các bạn đang gặp phải hay các bế tắc mà các bạn chưa giải quyết được.

Tuy nhiên, tổ tư vấn tâm lý có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào vị trí của tổ tâm lý và những nhân viên phụ trách. Nếu phòng tâm lý được đặt ở nơi quá công khai và những nhân viên phụ trách là giáo viên trong trường thì chắc chắn học sinh sẽ ngại ngần khi đến đây. Điều này cũng chính là lý do để rất nhiều phòng tâm lý học đường của các trường phổ thông đã không thể hoạt động hiệu quả.

Chính vì vậy, không phải là trong trường có tổ tâm lý hay không mà tổ sẽ hoạt động thế nào và ai sẽ phụ trách tư vấn cho học sinh.

Xin cảm ơn những chia sẻ từ TS!


Cùng chuyên mục

Đọc thêm