Ngạn ngữ Nigeria có câu “Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Sinh con ra đã vất vả, nuôi dạy một đứa trẻ đúng cách lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Khi chưa ý thức đúng về việc này, cha mẹ có thể vô tình gây ra những tổn thương tinh thần ảnh hưởng tới sự phát triển của con trẻ.
Theo Tiến sĩ Tâm lý học Tô Nhi A - Giảng viên Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), ngay từ trong những giao tiếp hàng ngày giữa bố mẹ và con trẻ, sự cẩn trọng là điều cần thiết để không gây ra những tổn thương tinh thần cho các con. Với mong muốn phụ huynh có những công cụ trực quan, biết cách giao tiếp và trò chuyện với trẻ cũng như nâng cao kiến thức về vấn đề sức khỏe tâm lý, Wall's phối hợp cùng Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A cho ra đời bộ Từ điển mini Ươm Mầm Hạnh Phúc dựa trên những tình huống phổ biến khi cha mẹ thường vô tình làm tổn thương con.
Khi con bị điểm kém hoặc thành tích không cao
Bất kỳ cha mẹ nào cũng đặt kỳ vọng ít nhiều vào con cái. Thế nên, khi con nhận về kết quả bài thi kém, nhiều người khó chịu, tức giận dẫn đến việc la mắng con. Việc này về lâu dài sẽ gây hại cho trẻ về mặt tinh thần rất nhiều, đặc biệt với những trẻ đã tự ti rồi sẽ cảm thấy càng tự ti hơn.
Thay vì la mắng, cha mẹ cần có cách tiếp cận mới - hãy lắng nghe các vấn đề của con; tinh tế quan sát để biết điểm mạnh điểm yếu của trẻ, giúp con cải thiện và phát huy được năng lực của mình.
Sự hỗ trợ từ cha mẹ sẽ giúp giảm áp lực tâm lý cho con trong việc học tập
Khi con bị bạn bè bắt nạt
Bắt nạt học đường vẫn luôn là vấn nạn chưa được giải quyết triệt để. Nếu cha mẹ không xử lý khéo léo kịp thời, tổn thương tinh thần sẽ càng phóng đại những cơn đau thể xác mà con đã phải gánh chịu, và khiến con tránh né trường học hay thậm chí xã hội bên ngoài. Trong đó, điều tối kỵ là dửng dưng hoặc không tin tưởng, đổ lỗi cho trẻ.
Hướng dẫn con đối mặt với vấn đề là phương pháp hay để giúp con phát triển. Con cần được trao quyền tự chủ, tự tìm giải pháp để xây dựng lòng can đảm và khả năng xử lý các khó khăn trong tương lai. Cha mẹ đóng vai trò là người dẫn đường, giúp con biết được hướng đi nào là tốt nhất và luôn sẵn sàng can thiệp khi cần.
Cha mẹ nên cho trẻ thấy mình là chỗ dựa đáng tin cậy mỗi khi con gặp khó khăn
Con bị chê bai ngoại hình
Những câu nói chê bai về ngoại hình - mà thường gặp nhất là từ chính người thân quen trong gia đình, dù vô tình hay cố ý, đều sẽ gây ra tổn thương tinh thần cho con. Vì tuổi còn nhỏ, trẻ sẽ không có đủ “kháng thể” trước những tác động tâm lý này, và dễ bị tổn thương sâu sắc, tự ti, mặc cảm.
Cha mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để xây dựng sự tự tin của con, đừng chỉ lặng im bỏ qua vì nghĩ đó là lời nói đùa. Con cần học được cách yêu bản thân, trân trọng mọi đặc điểm trên cơ thể mình từ chính gia đình mình trước tiên.
Hãy là “vitamin” tích cực để gieo sự tự tin cho con
Con bị ngăn cấm thực hiện các hành động, lời nói mà không có giải thích đi kèm
Trẻ con như một tờ giấy trắng, sẽ đôi lúc hành động dựa trên mong muốn mà không biết hậu quả, hoặc vô thức bắt chước người khác. Với những hành động chưa thích hợp, sự ngăn cấm không lý do từ cha mẹ không khiến trẻ cải thiện và sửa đổi, mà còn gây sự ức chế và thậm chí kích thích tâm thế “chống đối” trong con.
Cha mẹ được khuyến khích làm “ngọn hải đăng” dẫn lối con với những giải thích kèm hướng giải quyết phù hợp. Hãy tôn trọng con vì con cần thời gian học hỏi và lớn lên.
Kiên nhẫn hướng dẫn, giải thích để trẻ hiểu rõ vấn đề và cải thiện
Khi cha mẹ đổ lỗi cho con vì những áp lực của mình
Đây là một sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải khi vô tình mang áp lực công việc đè nặng lên con trẻ. Kết quả là, con không thể hoàn thiện về mặt cảm xúc, tính cách khi luôn phải lo lắng, sợ hãi hay tệ hơn là học những điều xấu từ cha mẹ. Đừng để tình thương của mình trở thành hành động “bị ép buộc phải làm” và làm cớ cho những vấn đề cả trẻ và cha mẹ đang mắc phải.
Mỗi cha mẹ cũng cần làm gương để con học được những đức tính tốt và giúp con hiểu rõ vai trò của mỗi người trong gia đình với lý do xác đáng.
Thưởng kem Wall’s con thích mỗi khi con làm tốt vai trò của mình
TS. Tô Nhi A cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất để nuôi dưỡng đứa trẻ hạnh phúc là giáo dục gia đình tích cực, với sự yêu thương được thể hiện qua cả lời nói và hành động của cha mẹ. Tổn thương tinh thần qua lời nói mang sức nặng không kém nỗi đau về thể xác nên mỗi cha mẹ đều cần cẩn trọng và tinh tế trong từng lời nói của mình”. Đó cũng là mong muốn của chiến dịch “Gieo yêu thương, ươm mầm hạnh phúc” do nhãn hàng Wall’s, Lifebuoy và OMO từ công ty Unilever Việt Nam cùng phối hợp thực hiện. Bộ từ điển mini trên sẽ là hình thức tư vấn tâm lý mới mẻ giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn sâu hơn vào tâm lý của con trẻ, từ đó yêu thương được thể hiện đúng cách và hiệu quả hơn.
Với sự đồng hành của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, Thạc sĩ tâm lý Tú Anh và các chuyên gia tâm lý hàng đầu, chiến dịch “Gieo yêu thương, Ươm mầm hạnh phúc” mang đến cho các bậc phụ huynh cái nhìn mới về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ thông qua chuỗi hoạt động, bao gồm: Từ điển mini “Ươm mầm hạnh phúc”, chuỗi chương trình tư vấn trực tuyến (livestream) với những lời khuyên hữu ích giúp con được phát triển toàn diện và an toàn về mặt tâm lý, cùng tập phát sóng đặc biệt “Nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc” trên chương trình “Vui sống mỗi ngày” của VTV3. Qua chiến dịch, hơn 6.000 phần quà thiết thực được trao đến trẻ em khó khăn trên khắp 63 tỉnh thành Việt Nam. |