Thời sự

Sức mua giảm mạnh, ngành sản xuất toàn cầu tồn kho kỷ lục 1,8 nghìn tỷ USD

Theo tờ Nikkei Asian Review, hàng loạt các thương hiệu từ Samsung đến Ford đang chứng kiến sự gia tăng hàng tồn kho vì nhu cầu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát đi lên. Điều này làm dấy lên lo ngại các doanh nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh sản lượng và dẫn đến suy thoái kinh tế.

Số liệu của Nikkei cho thấy tổng số hàng tồn kho của 2.349 doanh nghiệp sản xuất niêm yết trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 1,87 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2022. Con số này là cao hơn 97 tỷ USD so với chỉ 3 tháng trước đó. Đây cũng là mức tồn kho cao kỷ lục kể từ khi số liệu trên bắt đầu được thu thập 10 năm qua.

Sức mua giảm mạnh, ngành sản xuất tồn kho kỷ lục 1,8 nghìn tỷ USD - Ảnh 1.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg thì trích dẫn nhận định của giám đốc quản lý quỹ Michael Burry về "Hiệu ứng cái roi da" (Bullwhip Effect). Theo đó, do các nhà bán lẻ bị tồn kho quá nhiều nên về lý thuyết, họ sẽ buộc phải giảm giá để dọn kho.

Giám đốc Burry đã dẫn chứng bài đăng của hãng tin CNN về hiện tượng nhiều chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ như Walmart, Target cho phép khách hàng không cần trả lại đồ không mong muốn, thậm chí còn được tặng thêm tiền để giữ chúng. Nguyên nhân rất đơn giản, lượng tồn kho đang quá nhiều và họ không muốn tốn thêm chi phí để bảo quản số sản phẩm này.

Ván bài may rủi

Tờ Nikkei nhận định hiện tượng tồn kho kỷ lục hiện nay một phần là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến các doanh nghiệp khó đưa hàng vào lưu thông.

Trong khi đó một số công ty thì lại muốn tích trữ nhằm phòng chống rủi ro thiếu hàng khi sản xuất. Nhiều doanh nghiệp khác thì dự đoán nhu cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế mở cửa trở lại hậu đại dịch nên đã đặt cược ván bài may rủi bằng việc tích trữ hàng.

Trớ trêu thay dù thị trường đã mở cửa trở lại nhưng nhu cầu tiêu dùng thì không bùng nổ được như dự đoán do ảnh hưởng từ lạm phát cũng như bất ổn kinh tế. Hệ quả là lượng tồn kho nhiều có thể khiến các doanh nghiệp giảm sản lượng và tác động lan rộng ra toàn nền kinh tế.

Theo tờ Nikkei, sức mua giảm được thể hiện cực kỳ rõ trong mảng thiết bị điện tử như smartphones hay máy tính cá nhân. Sự gia tăng của lạm phát cũng như bất ổn của nền kinh tế khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, gia tăng tiết kiệm nhiều hơn. Dù mức tồn kho gia tăng trong cả 12 ngành nhưng 3 ngành thiết bị điện tử, xe hơi và máy móc chiếm đến 61% tổng số hàng tồn kho.

Sức mua giảm mạnh, ngành sản xuất tồn kho kỷ lục 1,8 nghìn tỷ USD - Ảnh 2.

Trong đó, thiết bị điện tử có số hàng tồn kho tăng mạnh nhất, lên đến 457 tỷ USD, tương đương 6%. Tuy nhiên phần lớn số hàng tồn kho thuộc dạng nguyên liệu và với đặc thù ngành, câu chuyện này chưa chắc đã là tin xấu.

Cũng theo Nikkei, mức tăng 97 tỷ USD tồn kho hiện nay cao hơn so với mức tăng 83 tỷ USD của quý I/2018 khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra. Xét về tỷ lệ, mức tăng tồn kho quý I/2022 chỉ đạt 5,3% so với 6,1% của cùng kỳ năm 2018.

Bình quân, các doanh nghiệp sẽ mất khoảng 81,1 ngày để bán hết số hàng tồn kho trong quý I/2022, cao hơn 3,6 ngày so với quý IV/2021. Đây cũng là khoảng thời gian bán hết hàng tồn kho dài nhất trong 10 năm qua ngoại trừ thời điểm đại dịch năm 2020 khi kinh tế đình trệ.

Đặc thù ngành

Trong số các hãng điện tử thì Samsung Electronics là có hàng tồn kho tăng nhiều nhất với mức tăng 4,4 tỷ USD, tương đương 13% so với quý trước. Trong đó, nguyên liệu-thiết bị thô chiếm đến 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên câu chuyện tồn kho với những thương hiệu điện tử như Samsung không phải là một tin xấu. Doanh số của hãng đi ngang trong quý I/2022 và Samsung chịu ảnh hưởng trong tháng 4/2022 vì thách thức thiếu các nguyên liệu như chip điện tử. Bởi vậy công ty quyết định tích trữ nguyên liệu, thiết bị nhằm tránh trường hợp thiếu hàng sản xuất như đã diễn ra.

Hãng sản xuất máy tính cá nhân Asus cũng có hàng tồn kho tăng 18% nhưng doanh số lại giảm 9%. Dù công ty này tích trữ nguyên liệu để sản xuất nhưng doanh số lại sụt giảm ở Châu Âu do xung đột Ukraine.

Về mảng ô tô, tổng lượng hàng tồn kho toàn ngành đã tăng 14,8 tỷ USD, tương đương 6% lên mức 273 tỷ USD. Hãng Ford chứng kiến doanh số giảm 8% nhưng hàng tồn kho tăng 21% lên 14,6 tỷ USD, mức cao nhất 25 năm.

Theo giám đốc tài chính John Lawler của Ford, khoảng 53.000 sản phẩm của hãng chưa được hoàn thiện vì thiếu linh kiện đã khiến công ty duy trì lượng hàng tồn kho nguyên liệu lớn như vậy.

Sức mua giảm mạnh, ngành sản xuất tồn kho kỷ lục 1,8 nghìn tỷ USD - Ảnh 3.

Chỉ số PMI của Trung Quốc đã dưới ngưỡng 50 điểm 3 tháng liên tiếp

Tờ Nikkei nhận định tổng số tiền mặt nắm giữ của 2.349 công ty niêm yết tính đến cuối tháng 3/2022 là khoảng 2,2 nghìn tỷ USD, cao gấp 2,3 lần doanh số hàng tháng và được cho là ở mức an toàn nếu so sánh về lượng hàng tồn kho.

Trong đó, Samsung nắm giữ 100 tỷ USD tiền mặt, tương đương doanh số của 5 tháng. Những hãng xe như Toyota Motor cũng có 6 nghìn tỷ Yên, tương đương 44,19 USD tiền mặt, tương đương doanh số của 2,3 tháng.

Mặc dù vậy Nikkei vẫn cảnh báo bởi chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 6/2022 tại Mỹ và Châu Âu đều giảm xuống quanh ngưỡng 50 điểm, vốn là ranh giới giữa sự mở rộng và co hẹp của thị trường. Tại Trung Quốc, chỉ số PMI đã ở dưới ngưỡng 50 điểm 3 tháng liên tiếp tính đến tháng 5/2022.

*Nguồn: Nikkei Asian Review, Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm