Theo hãng tin Bloomberg, ngân hàng trung ương Zimbabwe đã tăng lãi suất từ 80% lên mức kỷ lục 200%, đồng thời tái chấp nhận đồng USD là tiền tệ chính thức trong lưu thông nhằm giải quyết lạm phát cũng như bình ổn đà mất giá của đồng nội tệ.
Với động thái trên, Zimbabwe đã tăng lãi suất lũy kế trong năm nay lên 140%, mức cao nhất trên toàn cầu.
"Ủy ban chính sách tiền tệ bày tỏ quan ngại về đà tăng lạm phát thời gian gần đây. Ủy ban nhận thấy rằng sự gia tăng lạm phát sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng cũng như niềm tin của người dân. Bởi vậy nếu không kiểm soát lạm phát thì chúng sẽ làm đảo lộn thành quả kinh tế đã đạt được trong 2 năm qua", Thống đốc John Mangudya tuyên bố.
Lãi suất và tỷ lệ lạm phát ở Zimbabwe
Hãng tin Bloomberg cho biết không riêng gì Zimbabwe, hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang gia tăng siết chặt chính sách tiền tệ ở mức chưa từng có kể từ thập niên 1980 để chống lạm phát, ngăn nguồn vốn thất thoát cũng như giữ giá đồng nội tệ.
Tại Zimbabwe, lạm phát tại đây đã tăng đến 192% trong tháng 6/2022, mức cao nhất trong 1 năm qua. Giá lương thực thậm chí tăng gấp 3 lần. Đà lạm phát này một phần chịu ảnh hưởng của sự mất giá đồng nội tệ, Zimbabwe Dollar. Kể từ đầu năm đến nay, đồng Zimbabwe Dollar đã mất đến 2/3 giá trị so với đồng USD và đang là đồng tiền tệ nhất Châu Phi.
Chính điều này đã khiến Zimbabwe phải lần thứ 2 chấp nhận lưu thông bằng đồng USD trong 10 năm qua. Theo đó nước này sẽ dùng chế độ lưu thông kép khi cùng sử dụng cả 2 đồng tiền nhằm chống nạn đầu cơ tích trữ ngoại tệ.
"Chính phủ đã quyết định áp dụng hệ thống đa tiền tệ bằng việc chấp nhận lưu thông đồng USD trong vòng 5 năm", Bộ trưởng tài chính Mthuli Ncube nói.
Ngoài ra, Zimbabwe cũng quyết định nâng lãi suất tiền gửi từ 12,5% lên 40%, đồng thời phát hành đồng vàng như một kênh dự trữ tài sản nhằm giải quyết tình hình lạm phát cũng như mất giá tiền hiện nay. Những đồng vàng sẽ được in và bán qua kênh ngân hàng, nhưng kế hoạch này chưa được tiết lộ cụ thể.
Vào năm 2009, Zimbabwe cũng đã có những động thái mạnh tay tương tự khi đồng nội tệ mất giá cũng như lạm phát phi mã. Tại thời điểm đó, Zimbabwe đã chấp nhận lưu thông bằng đồng USD thay đồng nội tệ. Phải mãi đến năm 2019, quốc gia này mới cho phát hành trở lại đồng tiền mới thế nhưng chúng cũng mất giá nhanh chóng sau đó.
Trong cuộc khủng hoảng 2009, ngoài việc chấp nhận đồng USD lưu thông thay đồng nội tệ, Zimbabwe còn cấm hoạt động tín dụng ngân hàng trong 10 ngày, hạn chế giao dịch chứng khoán, chấp nhận doanh nghiệp nộp thuế bằng sản phẩm địa phương...
*Nguồn: Bloomberg