Người phụ nữ làm nên lịch sử
Kể từ thời điểm Margaret Thatcher đánh bại Willie Whitelaw, nắm quyền lãnh đạo Đảng Bảo thủ vào tháng 2/1975, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một đảng chính trị ở Anh. Bốn năm sau, bà vươn lên thành nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước. Là người cứng rắn và có chí hướng, bà đã lãnh đạo Đảng Bảo thủ của mình ba lần thắng cử liên tiếp và giữ chức vụ trong 11 năm, từ tháng 5/1979 đến tháng 11/1990, bà đã thay đổi diện mạo nước Anh mãi mãi và trở thành một trong những chính khách nổi tiếng nhất thế giới trong thế kỷ 20.
Bà đã khiến công chúng nhớ tên mình khi phá vỡ sự đồng thuận thời hậu chiến giữa các chính trị gia, ban quản lý và công đoàn về cách thức vận hành của đất nước. Sự đồng thuận đó đã dẫn đến sự suy giảm không thể tránh khỏi khi Anh tụt hậu so với các đối tác thương mại chính ở châu Âu và Mỹ. Nước Anh nhờ những thành tựu kinh tế của bà Thatcher đã được thế giới kính trọng một lần nữa. Ngoài ra, bà đã cũng nổi tiếng ở nước ngoài với cách giải quyết cứng rắn khi đối mặt với các mối đe dọa từ khối Liên Xô.
Bà Thatcher vào năm 1951
Bà trở thành Thủ tướng trong bối cảnh người dân không chấp nhận dung túng cho các đảng viên không điều hành đất nước một cách hiệu quả, cũng như không ủng hộ việc áp đặt kỷ luật kinh tế cứng nhắc. Bằng cách phá vỡ quyền lực của các liên đoàn lao động và buộc Đảng Lao động từ bỏ cam kết quốc hữu hóa nền công nghiệp, xác định lại vai trò của nhà nước phúc lợi và chấp nhận tầm quan trọng của thị trường tự do, bà Thatcher đã cầm lái được con tàu sau gần 35 năm trôi dạt.
Kết quả là, bà trở thành một trong những chính trị gia được tôn kính và cũng nhận nhiều chỉ trích nhất thời bấy giờ. Trong những năm đầu cầm quyền, nhiều đảng viên Đảng Bảo thủ thậm chí còn lo sợ rằng cuộc bầu cử của bà có thể là một sai lầm khủng khiếp. Tuy nhiên, bà đã biến Đảng Bảo thủ thành đảng của sự cải cách. Các chính sách của bà đã hồi sinh hoạt động kinh doanh của Anh, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và gia tăng tầng lớp trung lưu.
Cá chép hóa rồng
Margaret Hilda Thatcher sinh ngày 13/10/1925 tại thị trấn Grantham của Lincolnshire, cách London 100 dặm về phía Bắc. Cha bà, Alfred Roberts, là một chủ cửa hàng tạp hóa, sau đó trở thành thị trưởng của thị trấn. Ông và vợ là bà Beatrice đã cùng nhau tiết kiệm để mua cửa hàng và làm việc quần quật để kiếm sống. Khi làm Thủ tướng, bà Thatcher thường đề cập đến tấm gương tiết kiệm của cha mình. Cha là hình mẫu lý tưởng của bà, với sự tận tâm cho gia đình và một lòng yêu nước thẳng thắn và một đức tin Cơ đốc đơn giản. "Chính trị đã ngấm vào máu của tôi", bà nói.
Cửa hàng tạp hóa của gia đình bà Thatcher
Là một cô gái thông minh, ngay từ nhỏ đã bộc lộ tình yêu với thơ ca, và đặc biệt là các tác phẩm của nhà văn Kipling, bà thường trích dẫn lời của ông trong cuộc sống sau này. Bà đã giành được học bổng vào Trường nữ sinh Kesteven và Grantham, trở thành một nhà khoa học tài năng và có thành tích đứng đầu. Vào tháng 10/1943, bà sở hữu một suất vào trường Cao đẳng Somerville, Oxford, và theo đuổi môn hóa học.
Ngay khi đến Oxford, bà đã tham gia Hiệp hội Bảo thủ của trường đại học. Những bài diễn thuyết trước công chúng của bà giúp tập hợp và vận động tại cuộc tổng tuyển cử năm 1945. Năm tiếp theo, bà trở thành Chủ tịch của hiệp hội, và đã đặt quyết tâm vào sự nghiệp chính trị.
Với bằng cấp về hóa học, bà rời Oxford vào năm 1947 để đảm nhận vị trí nghiên cứu và phát triển tại một nhà máy sản xuất nhựa ở Essex. Sau khi nhận thấy công việc không có gì khởi sắc, bà lại lao vào chính trị trong thời gian rảnh rỗi. Bị cấm tham gia Hội tranh luận của Liên hiệp Oxford - tổ chức này không thừa nhận phụ nữ cho đến năm 1963 - bà trở thành thành viên của Hiệp hội Bảo thủ Đại học Oxford và là giữ chức chủ tịch vào năm 1946. Bà tốt nghiệp năm 1947 cùng bằng thạc sĩ hóa học, sau đó làm công việc nghiên cứu hóa chất và học luật.
Bà làm việc với tư cách là một nhà hóa học trẻ vào năm 1950, đồng thời ứng cử vào Quốc hội
Bước vào chính trường, ở tuổi 23 bà được chọn để trở thành ứng cử viên Đảng Bảo thủ cho Nghị viện. Tuy không giành được ghế tại cuộc bầu cử năm 1950, nhưng bà đã gặp gỡ một doanh nhân địa phương, Denis Thatcher, thông qua đảng. Họ kết hôn vào tháng 12/1951. Tháng 8/1953, bà Thatcher có một cặp song sinh là Mark và Carol. Tháng 12 năm đó, bà nhận công việc chuyên về luật sáng chế và thuế.
Ông bà Thatcher trong đám cưới tại London sau 10 tháng kể từ khi gặp gỡ
Quyết định đến theo ngành luật và lập gia đình, đồng nghĩa với việc sự nghiệp chính trị của bà phải lùi lại trong vài năm. Bà vẫn hoạt động trong đảng, nhưng không giành được ghế nào tại cuộc bầu cử năm 1955. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1958, bà được chọn để đấu với ông Finchley, và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10/1959. Năm 1962, bà được bổ nhiệm một chức vụ cấp dưới tại Bộ Lương hưu và Bảo hiểm Quốc gia.
Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1964, bà đã nắm giữ vai trò phát ngôn viên cấp trung trong các lĩnh vực nặng nề như kinh tế, nhà ở và quyền lực. Năm 1967, Edward Heath, khi đó đang là lãnh đạo Đảng Bảo thủ, không thể phủ nhận tài năng và thăng chức cho bà vào Nội các với tư cách là phát ngôn viên giáo dục. Sau đó, bà Thatcher đã tự mình đi lên và trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Nữ nghị sĩ trẻ vào ngày được bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo dục năm 1970
Với tư cách là một bộ trưởng trong nội các Đảng Bảo thủ, bà đã phản đối việc cắt giảm ngân sách trong hệ thống trường đại học và thúc đẩy xây dựng lại các trường học ở các khu vực nghèo với lòng nhiệt thành. Như Hugo Young đã viết trong cuốn tiểu sử phê bình "The Iron Lady" năm 1989 rằng "những người theo chủ nghĩa xã hội sẽ được ghi công".
Tuy nhiên, một chính sách của bà đã vấp phải sự phản đối về việc hạn chế sữa miễn phí cho trẻ em để tài trợ cho các chương trình đáng giá hơn. Người ta đặt cho bà một biệt danh không mấy tốt đẹp là "kẻ ăn trộm sữa". Các con của bà bị chế nhạo ở trường. Chồng bà đã rất lo lắng và khuyên rằng có lẽ bà nên từ bỏ chính trị.
Không nản lòng, tháng 12/1975, khi Đảng Bảo thủ đã sửa đổi các quy tắc chọn lãnh đạo và mở một loạt các cuộc bỏ phiếu để chọn ra lãnh đạo, bà Thatcher đã tuyên bố ra tranh cử. Bà đã về đích trước đối thủ là ông Heath ở lá phiếu đầu tiên, 130 với 119 lá phiếu. Trong lần bỏ phiếu thứ hai, vào ngày 11/2/1975, bà Thatcher đã đánh bại các ứng cử viên khác, tất cả đều là nam giới.
Margaret Thatcher vào năm 1975, năm bà được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ
Trong bốn năm tiếp theo, khi Đảng Lao động nắm quyền điều hành đất nước, bà đã chiến đấu để định hình lại đảng của mình. Chủ nghĩa bảo thủ mà bà tán thành được dẫn dắt bởi các nguyên lý của chủ nghĩa tự do cổ điển: niềm tin vào cá nhân, tự do kinh tế và quyền lực hạn chế của chính phủ.
Tuy nhiên, với quan niệm truyền thống ăn sâu, đảng của bà không có nhiều phụ nữ giữ chức vị cao. Ví dụ, tất cả các nhà lãnh đạo của đảng đều tham gia Câu lạc bộ Carlton, nơi không có mặt phụ nữ. Câu lạc bộ cũng không thay đổi các quy tắc của mình đối với bà Thatcher, nhưng bà đã được công nhận là thành viên danh dự.
Bà Thatcher cũng dùng 4 năm đó để trau dồi hình ảnh và phong cách của mình. Chuyên gia truyền thông Gordon Reece đã thuyết phục bà nên hạ giọng khi nói, giúp nghe bớt chói tai và nữ tính hơn. Bà cũng học cách ăn mặc lịch sự, thời trang hơn, làm nên hình tượng một người phụ nữ Anh quý phái và giỏi giang.
Đến năm 1986, hầu hết các vị trí chủ chốt trong Chính phủ đều do các đồng minh của bà nắm giữ, họ là những người hoàn toàn tin tưởng vào tầm nhìn của bà về nước Anh. Ngày 4/5/1979, bà Thatcher được bầu làm nữ thủ tướng đầu tiên của Anh và giữ vị trí này trong 11 năm rưỡi, khiến bà trở thành nữ Thủ tướng tại vị lâu nhất trong thế kỷ 20.
Ông bà Thatcher vẫy tay từ cửa sổ của trụ sở của Đảng Bảo thủ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1979 - đêm mà bà Thatcher trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh
Dù có những lúc khó khăn, sự nghiệp chính trị gần như tiêu tan nhưng nhờ sự an ủi của chồng, con và những đứa cháu, bà luôn có động lực để tiếp tục cố gắng. Trong suốt quá trình lãnh đạo, bà vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu: nhã nhặn, hiếu khách, khiêm tốn. Đó là một lý do tại sao bạn bè luôn hết lòng trung thành với bà. Đảng Lao động ở Anh đã giành được quyền lực vào năm 1997 chỉ bằng cách bắt chước nhiều phong cách, giọng điệu và chính sách của bà.
Bà được Nữ hoàng phong danh hiệu Nữ Hiệp sĩ, và cũng là người phụ nữ không thuộc hoàng gia đầu tiên có được vinh dự như vậy. Margaret Thatcher đã đi vào sử sách vì là nữ Thủ tướng đầu tiên, và có thể nói là phụ nữ Anh quyền lực nhất kể từ thời Nữ hoàng Elizabeth I. Cho đến những ngày cuối đời của mình ở tuổi 87, bà vẫn là một trong những người nổi tiếng nhất trên trái đất.
Tham khảo The New York Times, Daily Mail, The Guardian