Startup Namaste và founder kiêm CEO Lê Duy Quang đã ra về tay trắng trong tập 10 Shark Tank 2021, dù được cả hai Shark Bình và Hưng quan tâm. Cuộc ngã giá giữa cả ba vô cùng căng thẳng với nhiều điều kiện phức tạp. Sau đó, Shark Hưng bỏ cuộc và chỉ còn Shark Bình.
Cuối cùng, Lê Duy Quang đề nghị 1 triệu USD cho 15% cổ phần, loại bỏ tất cả các điều kiện khác; nhưng Shark Bình đề nghị ít nhất 18%. Hai bên không thể tìm được con số chung và deal đổ bể.
Nhiều khán giả xem chương trình đều tiếc cho Namaste - Lê Duy Quang, bởi chênh lệch giữa mong muốn của anh và Shark Bình chỉ là 3% cổ phần; trong khi các tập trước, vài startup sẵn sàng xuống giá 5% đến 10% cổ phần.
Tuy nhiên, nhìn vào thái độ của Lê Duy Quang trong chương trình cũng như phỏng vấn sau hậu trường, vấn đề quan trọng nhất ở đây không phải là 3% cổ phần, mà có vẻ anh đã khá "bất mãn" ngay từ khi các Shark bắt đầu định giá – trả giá.
"Tôi chỉ nhân 3 tài sản của mình với 1 mô hình kinh doanh có rào cản về độ khó. Ngoài ra, dòng tiền của doanh nghiệp cũng đang dương. Hiện tại, các Shark định giá doanh nghiệp chưa bằng tài sản mà tôi đã đầu tư, nên tôi cảm thấy không thể chấp nhận mức giá mà các Shark đưa ra, vì quá thiệt thòi cho tôi.
Tất cả các tài sản của tôi đang nằm dưới đáy biển, việc mang lên để show ra cho tất cả cho mọi người thấy là không thể, nên đó cũng là một hạn chế. Hơn nữa, các Shark chưa thấy quy mô thị trường. Tại Phú Quốc, mỗi năm có 3,5 triệu khách du lịch đến tham quan và hiện tại thị trường chỉ có 1 mình chúng tôi, chỉ cần chiếm 10% thị trường, doanh thu hàng năm của Namaste là 350 tỷ đồng. Đó là một cơ hội rất lớn!
Bản thân tôi và các cổ đông có thể tự làm được, nhưng vì sứ mệnh quá lớn, nên chúng tôi cần thêm sức. Trên đoạn đường tiếp theo, nếu gặp người hữu duyên và họ hiểu tôi, tôi sẵn sàng mời họ đồng hành", anh Lê Duy Quang giải thích ở phía sau hậu trường tập 10.
Một trong những dịch vụ của Namaste.
Và mới đây, cảm thấy mình vẫn chưa nói lên hết gốc rễ của vấn đề, CEO này đã lên Cộng đồng Shark Tank Việt Nam, để giải thích cặn kẽ hơn.
"Vài người bạn hỏi tôi có thấy tiếc khi không nhận deal đầu tư 1 triệu đô của Shark Bình hoặc Shark Hưng? Tôi xin trả lời là không!
Tôi đã đầu tư hơn 90 tỷ - trong đó có 70 tỷ tiền mặt để khởi nghiệp với dự án này. Dự án hoạt động ổn định và doanh thu tăng trưởng theo cấp số nhân qua từng năm. Dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng đó chỉ là tạm thời, ngành du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi sau dịch. 3 tháng đầu năm 2021 doanh thu đã ngang cả năm 2020.
Bên cạnh đó, xây dựng Namaste không chỉ có mình tôi mà còn có công sức của hơn 50 con người đã và đang ngày đêm nỗ lực suốt 4 năm qua; vừa bám biển, vừa canh giữ chăm sóc từng nhánh san hô. Họ đã tốn rất nhiều mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu. Namaste xứng đáng với mức định giá cao hơn", founder Namaste khẳng định.
Với định hướng làm giàu tài nguyên trước khi khai thác bền vững, Namaste không nhìn tài nguyên biển theo giá trị vật lý vốn có mà nhìn theo giá trị tồn tại. Một ví dụ nhỏ là 2 loài cá và mực, dưới góc nhìn thực phẩm giá của chúng rất rẻ; nhưng với góc nhìn du lịch, giá trị của chúng sẽ tăng gấp vài chục, thậm chí hàng trăm lần.
Chính vì vậy, trong dự án quần thể công viên san hô sắp tới, Namaste sẽ mạnh dạn đầu tư 15 tỷ làm vườn ươm nhân giống để khôi phục thiên nhiên với niềm tin mạnh mẽ rằng: trong tương lai, hệ sinh thái mà chúng tôi khôi phục được sẽ góp phần làm gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến Phú Quốc, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng du lịch biển địa phương.
Ở khía cạnh khác, khi nói chuyện với các Shark, anh cũng học hỏi được rất nhiều điều từ cấu trúc deal của Shark Hưng, đến chiến lược deal của Shark Bình. Đặc biệt, sau khi nghe Shark Louis chia sẻ: Namaste giống mô hình công viên chủ đề Hanauma Bay ở Hawaii – Mỹ và về mô hình ESG (đầu tư vững bền); founder startup này sẽ bắt đầu nghiên cứu các case study này nhiều hơn. Anh cũng rất vui khi biết Namaste đi theo định hướng phát triển mà thế giới đang khuyến khích.