Khi Nga tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có vào Ukraina, các nhà lãnh đạo thế giới đang xem xét các biện pháp trừng phạt mà họ có thể áp đặt để ngăn chặn Tổng thống Vladimir Putin thực hiện được mục tiêu của ông.
Những điều này có thể bao gồm cắt đứt quyền truy cập và sử dụng của Nga đối với các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và thậm chí cả dịch vụ thanh toán SWIFT – dịch vụ hỗ trợ hầu hết các giao dịch chuyển tiền quốc tế trên thế giới.
Tất cả những điều này có thể tiềm ẩn những hậu quả tàn khốc đối với nền kinh tế Nga.
Chip là yếu tố quyết định của thế giới hiện đại. Nó được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động, máy tính cho đến ô tô và hệ thống tên lửa. Còn chất bán dẫn thì đảm nhiệm vai trò là bộ não cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử ngày nay.
Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của chúng. Nếu không có quyền tiếp cận với một số chip nhất định, các nhà sản xuất ô tô và công ty quốc phòng của Nga sẽ bị tê liệt.
Nguồn: CNBC
Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho biết hôm thứ Năm rằng EU có kế hoạch trình một loạt "các biện pháp trừng phạt lớn và có mục tiêu" để các nhà lãnh đạo châu Âu phê duyệt.
Bà nói: "Chúng tôi sẽ nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Nga bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của họ với các công nghệ và thị trường quan trọng đối với Nga." Đồng thời, bà cũng nói thêm rằng EU sẽ tìm cách hạn chế "năng lực hiện đại hóa" của Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đưa ra lời hứa rằng sẽ có nhiều biện pháp hơn để tác động vào nền kinh tế Nga sau khi cuộc tấn công bắt đầu.
Một biện pháp trừng phạt kinh tế khả thi có thể là Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR) tập trung vào Nga, theo tổ chức nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương Mỹ. Đây là quy tắc tương tự mà Mỹ đã sử dụng để ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei vào năm 2019 và nó sẽ hạn chế khả năng của Nga trong việc lấy hay sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.
Người đồng sáng lập của một công ty tư vấn là Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF - Center for Innovating the Future), ông Abishur Prakash, nói với CNBC qua email hôm thứ Năm: "Mỹ có đầy đủ các phương án khi nói đến các biện pháp trừng phạt về công nghệ."
"Ví dụ, Mỹ có thể thúc đẩy các công ty công nghệ của mình có nguồn vốn từ Nga hoặc các thành viên hội đồng quản trị người Nga thay đổi cấu trúc của họ. Hoặc là Mỹ có thể đề xuất hủy niêm yết các công ty Nga khỏi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Tất nhiên là có những bước đi triệt để hơn mà Mỹ có thể thực hiện, chẳng hạn như cấm xuất khẩu một số phần mềm nhất định (chẳng hạn như Android) sang Nga, nhưng tác động thương mại đối với các công ty Mỹ có thể ngăn cản Washington làm điều này. "
Theo hãng tin RIA, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Năm rằng họ sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ theo cách ăn miếng trả miếng. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp chính về dầu, khí đốt và các loại vật liệu như titan.
Ông Prakash cho biết "có khả năng cao" phương Tây sẽ cố gắng và chặn quyền tiếp cận của Nga đối với chip. Ông nói: "Vì lượt trừng phạt đầu tiên nhắm vào các lĩnh vực tài chính của Nga, nên lượt tiếp theo có khả năng nhắm vào quân đội và kinh tế của Nga - đưa chất bán dẫn vào phần bị cấm,"
Các nhà cung cấp chip nặng ký của Mỹ bao gồm Nvidia, Intel, AMD và GlobalFoundries, trong khi các nhà sản xuất chip châu Âu bao gồm Infineon và STMicro. Ngoài ra còn có TSMC và Samsung ở Đài Loan và Hàn Quốc. Nếu Nga không thể sử dụng các sản phẩm do các công ty này sản xuất, nước này có thể buộc phải chuyển sang các nhà sản xuất chip Trung Quốc như SMIC, là những công ty có chất bán dẫn tụt hậu hơn so với các loại chip tiên tiến nhất trên thế giới.
Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ô tô Nga Avtovaz hôm thứ Ba cho biết công ty đã và đang tìm kiếm các nguồn chip thay thế.
Nhưng Nga cũng có thể gây tổn hại cho các công ty bán dẫn ở phương Tây, những người phụ thuộc vào nguyên liệu từ Nga để sản xuất các sản phẩm của họ.
Ông Prakash nói: "Các vật liệu và linh kiện bán dẫn mà Nga xuất khẩu sang phương Tây có thể bị hạn chế, đặt các công ty công nghệ phương Tây vào tình thế khó khăn. Điều này sẽ buộc các công ty phải nhanh chóng định hướng lại chuỗi cung ứng của họ, khiến thế giới trở nên bị chia cắt theo chiều dọc, khi các quốc gia tách rời nhau vì định hướng công nghệ."
Thanh toán toàn cầu
Khi nói đến thanh toán quốc tế, Tổng thống Séc Milos Zeman hôm thứ Năm cho biết rằng Nga nên bị cắt khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT, đồng thời ông nói thêm rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraina là "tội ác chống lại hòa bình". SWIFT là mạng nhắn tin mà các tổ chức tài chính sử dụng để truyền thông tin một cách an toàn cùng với các hướng dẫn.
Tuy nhiên, EU trong giai đoạn này khó có khả năng thực hiện các bước để loại bỏ Nga khỏi SWIFT, Reuters đưa tin hôm thứ Năm, trích dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.
Ông Chris Weafer, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Macro-Advisory có trụ sở tại Moscow, cho biết động thái loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT sẽ có tác động "rất nghiêm trọng và lâu dài" đối với nền kinh tế Nga, nhưng cũng sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho châu Âu. Ông gợi ý rằng Điện Kremlin có thể hy vọng rằng điều này sẽ đóng vai trò như một biện pháp răn đe đối với các cường quốc phương Tây.
Ông Weafer nói với CNBC vào thứ Năm rằng: "Hãy nhớ rằng Nga xuất khẩu tất cả nguyên liệu và năng lượng hầu hết sang châu Âu nhưng cũng xuất khá nhiều sang Mỹ và các quốc gia khác - chúng phải được trả tiền và trả tiền thông qua hệ thống SWIFT"
"Vì vậy, Nga đã nói rằng họ sẽ không cắt nguồn cung cấp năng lượng vì lý do chính trị, nhưng nếu những nguồn cung cấp đó không được thanh toán, thì bạn có thể thấy sự gián đoạn nguồn năng lượng vào các thị trường đó. Vì vậy đó là một hành động rất cực đoan, tất nhiên sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Nga nhưng cũng sẽ gây ra hậu quả cho châu Âu và cho nền kinh tế toàn cầu, nếu những mặt hàng xuất khẩu đó bị cắt giảm. "
Chính vì lý do này, ông Weafer cho biết SWIFT có thể được giữ lại như một biện pháp trừng phạt "cuối cùng", nếu cuộc tấn công và các ý định của Nga tiếp tục trở nên thâm hiểm hơn.