Theo đánh giá của UBND Tp.HCM, tình hình kinh doanh BĐS trên địa bàn TP thời gian qua phát triển tốt, đã khắc phục được cơ bản những hạn chế của thị trường trong những năm qua, bước đầu đi vào phát triển theo chiều sâu.
Riêng trong năm 2021, thị trường bất động sản Tp.HCM phát triển chậm hơn so với cùng kỳ do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội nên không có biến động lớn về lượng nhà ở trên diện rộng; nguồn cung các dự án rất hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ về pháp luật xây dựng, đầu tư, quy hoạch, thuế… dẫn đến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án.
Nguồn cung nhà ở năm 2021 so với năm 2020 về tổng dự án nhà ở đưa ra thị trường giảm 35,48%, tổng số căn nhà giảm 14,51%.
Đáng chú ý, thị trường BĐS hiện cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường và đảm bảo an sinh xã hội vì theo nhu cầu thực tế, thường tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng trong thời gian qua tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 1% xuống 0%. Phân khúc căn hộ trung cấp tiếp tục giảm từ 56,6% xuống còn 26%, ngược lại phân khúc căn hộ cao cấp tăng từ 42 % lên 74%.
Theo UBND Tp.HCM, đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường BĐS thiếu bền vững. Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu thì phải giữ ở tỷ lệ cao; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp và kế đến là phân khúc cao cấp.
Trong năm 2021, cả Tp.HCM chỉ ghi nhận 20 dự án phát triển nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng, không có dự án chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để xây dựng nhà ở (đất nền); không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Riêng quý 4/2021, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 7 dự án, với tổng số 7.640 căn nhà, tăng 86% so với quý III/2021, nhưng giảm 57,1% so với cùng kỳ năm ngoái.