Theo Quyết định 2345, từ ngày 1/7, các chủ tài khoản phải cài đặt sinh trắc học khuôn mặt mới có thể thực hiện chuyển khoản từ 10 triệu đồng/lần trở lên hoặc 20 triệu đồng/ngày. Ngoài ra khách hàng nạp tiền vào ví điện tử từ trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều yêu cầu phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra đảm bảo.
Như vậy, trường hợp không xác thực sinh trắc học trong app ngân hàng, khách hàng buộc phải ra quầy thực hiện đối với một số quy định liên quan đến chuyền tiền giá trị lớn, nạp tiền vào ví điện tử hay giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 16 Thông tư 18/2024/TT-NHNN có quy định rằng thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ.
Điều đó có nghĩa rằng kể từ thời điểm 1/1/2025, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học và chưa được kiểm tra đối chiếu thì sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trực tuyến. Khi đó, khách hàng chỉ có thể trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch.
Với quy định tại Thông tư 18, thông tin sinh trắc học không chỉ dùng trong trường hợp chuyển khoản mà còn được đưa vào sử dụng để xác định tài khoản chính chủ. Điều này cho thấy, NHNN tiếp tục siết thêm một vòng bảo mật nữa để bảo vệ tài khoản của khách hàng khi đây được xem là một trong những biện pháp mạnh tay để xử lý tài khoản "rác", vốn đang bị lợi dụng cho hoạt động lừa đảo.
Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng nhưng không đòi lại được bởi đó là tài khoản "rác", ảo. Các tài khoản này sau đó thường bị lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Phó Thống đốc NHNN, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, Quyết định 2345 về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng được ban hành với mục đích nhằm giúp làm sạch các tài khoản. Trước đây, người dân dùng chứng minh thư và các thông tin khác để mở thẻ ATM, rất nhiều giấy tờ và kẻ gian lợi dụng giấy tờ giả cho thuê, cho mượn… Đến hiện tại, NHNN phối hợp với Bộ Công an làm sạch thông tin tài khoản, đó là bước đầu tiên.
Ông Dũng cũng cho rằng, sau khi làm sạch xong sẽ không còn hiện tượng sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản, cũng sẽ không còn ai nói cầm giấy tờ của người khác cầm đồ.
Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, giao dịch trên 10 triệu trong tháng 6 chiếm khoảng 8% tổng số giao dịch, bình quân mỗi ngày có từ 1,8- 2 triệu giao dịch. Hiện có trên 80% người trưởng thành (tương đương khoảng 65 triệu người) có tài khoản tại ngân hàng. Số lượng tài khoản khoảng 180 triệu, tức là bình quân mỗi người Việt có khoảng 3 tài khoản. Tính đến chiều 5-7, các ngân hàng đã đối chiếu với dữ liệu căn cước của Bộ Công an, làm sạch 19 triệu tài khoản.
Liên quan đến vấn đề an ninh, bảo mật của tài khoản ngân hàng, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhấn mạnh, xác thực sinh trắc học với giao dịch giá trị lớn là công cụ hữu hiệu chống lừa đảo trực tuyến. Phạm vi hoạt động của đối tượng lừa đảo bị thu hẹp khi loại bỏ tài khoản ngân hàng rác. M
ặc dù cho rằng, các hình thức lừa đảo mới sẽ xuất hiện ngay sau khi yêu cầu xác thực sinh trắc học đưa ra, nhưng ông Sơn kỳ vọng, giải pháp này có thể giúp người dân lấy lại tiền đã bị hack. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, vẫn cần tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động nhận biết các hình thức lừa đảo, cũng như tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân để không trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo như cho thuê tài khoản, làm thuê việc chuyển tiền…