Theo báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” vừa được Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, có tới 60-70% doanh nghiệp nhận thức kinh tế, kinh doanh tuần hoàn có vai trò rất quan trọng, nhưng có tới 51-66% chưa áp dụng, chỉ 3-5,5% áp dụng mức rất tốt.
Đồng thời, tỷ lệ các doanh nghiệp đã áp dụng được nhận hỗ trợ khi kinh doanh tuần hoàn là rất thấp, trong đó hỗ trợ về đào tạo cao đạt tỷ lệ cao nhất cũng chỉ 15%, còn hỗ trợ về mặt bằng thấp nhất.Những rào cản đối với kinh doanh tuần hoàn có thể kể đến như thiếu nguồn lực tài chính, khung pháp luật chưa đầy đủ, rủi ro tài chính, rào cản văn hóa, thiếu nhận thức, thiếu nguồn lực...
Kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới
Tại Hội thảo công bố báo cáo ngày 19/8, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho biết, từ kinh nghiệm châu Âu, Đan Mạch và nhiều quốc gia khác cho thấy kinh doanh theo hướng tuần hoàn đang trở thành một xu hướng trên phạm vi toàn cầu và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng, trước hết trong xây dựng khung pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua những thách thức, khó khăn khi chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tuyến tính sang tuần hoàn.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay, sự chuyển dịch sang phát triển bền vững trong đó có việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không còn là câu chuyện chỉ là xu hướng mà nó đã bắt đầu diễn ra khá mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, khu vực trê thế giới.
Việc chuyển dịch mạnh mẽ này xuất phát từ áp lực lối sống , ý tưởng về phát triển bền vững nhưng quan trọng cũng là từ chính thị trường, từ đòi hỏi của thị trường, về sản xuất kinh doanh hay uy tín, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc chuyển sang được mô hình mới có nhiều ý nghĩa và về lâu dài đem lại hiệu quả nhưng quá trình này không hề đơn giản và nhanh chóng.
"Lý do là chúng ta quen với kinh tế tuyến tính, tức là khai thác, sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ còn với kinh tế tuần hoàn, phải làm sao tối thiểu được nguyên vật liệu, tài nguyên sử dụng, giảm khí phát thải, tăng vòng đời của sản phẩm. ", TS. Thành nói.
Như vậy, để chuyển dịch đòi hỏi thay đổi nhận thức, thói quen, suy nghĩ về cách quản trị, công nghệ, kỹ năng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do liên quan nhiều đến sản phẩm nên đòi hỏi sự sáng tạo, chưa kể là những công nghệ lõi khác. Đây chính là những khó khăn của doanh nghiệp.
Cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ
TS. Võ Trí Thành cho rằng, những khó khăn kể trên khiến mặc dù kinh tế tuần hoàn là xu hướng và đem lại lợi ích nhưng vẫn cần có hỗ trợ, truyền thông, thông tin để thay đổi từ nhận thức sang hành động thực tế.
Và trên thực tế, qua các khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thức về kinh tế tuần hoàn và chuyển biến được sang hành động rất thấp. Trong khi Việt Nam cam kết rất mạnh về tăng trưởng xanh như COP26 hay các chiến lược khung pháp lý và gần đây đã xuất hiện những Nghị định về tăng trưởng bền vững, kinh tế tuần hoàn nhưng chưa hoàn thiện.
Quan trọng hơn, qua khảo sát cho thấy thấy tính đầy đủ, khả năng tiếp cận hỗ trợ của Nhà nước còn rất thấp. Như vậy, vấn đề hoàn thiện pháp lý, triển khai đầy đủ hơn các công cụ, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, thuế, đào tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo,.. bên cạnh truyền thông về nhận thức là rất cần thiết, TS. Thành cho hay.
Theo nhiều nghiên cứu, những nước nào có chất xanh càng cao thì về trung, dài hạn sẽ càng có lợi thế. Vì vậy, theo ông Thành, muốn doanh nghiệp chuyển sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Đó có thể coi là chi phí chuyển đổi.
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), báo cáo từ CIEM cũng khuyến nghị cần tăng cường nhận thức về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn; hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan.