Thông tin được nêu tại "Diễn đàn phát triển thị trường năng lượng cạch tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương và Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật đồng tổ chức ngày 6-12.
Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ
Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm - giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, ngành năng lượng đang từng bước chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước.
Tuy vậy thách thức đặt ra là kết cấu hạ tầng ngành năng lượng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện.
Các dự án năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải chưa được nâng cấp đồng bộ, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực, gây ra sự lãng phí lớn.
Đặc biệt thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.
Bên cạnh đó khung pháp lý cho thị trường năng lượng vẫn chưa thực sự đồng bộ.
Việc triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư còn chậm, nhiều nhà đầu tư e ngại về tính ổn định, khung pháp lý, môi trường kinh doanh năng lượng cạnh tranh.
Đặt câu hỏi vì sao sử dụng năng lượng ở Việt Nam chưa hiệu quả, còn lãng phí, giá điện rẻ ai được lợi, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nói muốn có thị trường năng lượng, đảm bảo đủ xanh, sạch và giá cả phù hợp, phải đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ cung - cầu, khả năng đáp ứng năng lượng gắn với sử dụng hiệu quả.
Giá điện thấp nên không ai dám đầu tư
"Năng lượng điện giữ giá cơ bản là rất thấp. Vì giá thấp nên không ai dám đầu tư trong khi lại khuyến khích tiêu dùng điện nhiều.
Những doanh nghiệp và công nghệ thấp cũng tận dụng được giá điện thấp của Việt Nam. Cho nên chúng ta biết là cấu trúc đầu tư nước ngoài của Việt Nam suốt mấy chục năm mới là công nghệ thấp và tiêu thụ điện năng nhiều" - ông Thiên đánh giá.
Thống kê cho thấy mức tiêu thụ điện năng trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 33,5% mức trung bình thế giới, trong khi lượng phát thải CO₂ từ hoạt động năng lượng lại tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2020. Hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế thấp khiến Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỉ lệ tiêu thụ điện/GDP cao nhất.
Vì vậy ông Thiên cho rằng giá điện thấp không thực sự mang lại lợi ích lớn cho người dân nghèo mà chủ yếu là đang ưu đãi các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Hệ quả là ngân sách nhà nước chịu áp lực lớn trong việc duy trì nguồn cung và hỗ trợ hạ tầng, đồng thời tạo ra những bất cập về cơ cấu đầu tư và phân bổ nguồn lực.
Ông Thiên nói cần quyết tâm đổi mới cơ chế giá điện không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế dựa trên nền tảng thị trường cạnh tranh.
Chính sách này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam chuyển đổi thành công sang một hệ sinh thái năng lượng hiệu quả, bền vững và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.