Kinh tế có thể tăng trưởng trong mức 6,8 - 7,1%
Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng như tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72% - cao nhất tính từ năm 2011 trở lại đây, giúp GDP 6 tháng đạt 6,42%, CPI tăng thấp chỉ 2,44%.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Chính phủ nâng mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 lên 7%, cao hơn 0,5% ngưỡng mục tiêu cao mà Quốc hội giao và Chính phủ đề ra.
Trước mục tiêu tăng trưởng mà Bộ KH&ĐT đặt ra, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ ở mức 6,8 - 7,1%,.
Thậm chí, trong kịch bản tích cực tăng trưởng GDP có thể đạt 7,3-7,6% nếu Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga – Ukraine và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến trình cải cách và chuyển đổi số.
“Với kịch bản tiêu cực, nếu rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, dịch bệnh bùng phát trở lại, Chương trình phục hồi chậm triển khai, các động lực tăng trưởng không được thúc đẩy mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam năm 2022 dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 6,3 - 6,6%”, TS. Lực cho biết.
Lạm phát mới ở vòng 1, sắp tới còn vòng 2, vòng 3 tác động đến thực phẩm, tiêu dùng
Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, áp lực lạm phát đang tăng và là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, CPI chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ nhưng cũng không thể chủ quan.
Nền kinh tế có độ trễ, hiện nay giá cả đang tăng lên và Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều. Vì vậy, câu chuyện nhập khẩu lạm phát vẫn có thể xảy ra với Việt Nam. Bên cạnh đó, một số khoản như: Học phí, thuế hay lương cơ bản,…bắt đầu tăng từ 1/7 nên chưa thể hiện trong chỉ số lạm phát nửa đầu năm.
"Đặc biệt, yếu tố xăng dầu cũng mới chỉ tác động làm tăng lạm phát ở vòng 1 đó là chi phí cho giao thông, sắp tới nó sẽ tác động vòng 2, vòng 3 là tác động lên lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng,…”, TS. Lực cho biết.
Độ trễ của cung tiền cũng là một vấn đề gây sức ép lên lạm phát, từ nay đến cuối năm, tiền giải ngân vốn đầu tư công hay chương trình phục hồi sẽ nhanh hơn và nhiều hơn. Khi đó, những yếu tố này sẽ đè nặng lên áp lực lạm phát.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cũng dự báo, lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ khoảng 3,8-4,2%. “Về cơ bản mức lạm phát này chấp nhận được và nếu trên 4% cũng phải chấp nhận vì bối cảnh lạm phát trên thế giới năm nay rất sâu”, TS. Lực cho hay.
Trên thế giới, một số đồng tiền mất giá như yen Nhật hay đồng won của Hàn Quốc, ngay cả tiền đồng của Việt Nam cũng mất giá khoảng 2% do USD mạnh lên. Đồng yen Nhật mất giá mạnh là do kinh tế Nhật phục hồi tương đối yếu ớt.
Đối với Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá có thời điểm biến động mạnh, chủ yếu do USD lên giá, đặc biệt là kể từ tháng 5 khi Fed liên tiếp nâng lãi suất cơ bản, hiện đang ở mức 1,5-1,75% nhằm kiểm soát lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực cũng dự báo tỷ giá trong nửa cuối năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát với mức tăng khoảng 2,5% nhờ các yếu tố: Mức tăng của đồng USD thời gian tới dự báo không còn quá mạnh như 6 tháng qua, cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ tích cực nhờ cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư 4-8 tỷ USD trong năm 2022 và dự trữ ngoại hối khá dồi dào, trên 100 tỷ USD cũng như việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định thị trường.
Kỳ vọng giải ngân đầu tư công tăng tốc thúc đẩy tăng trưởng cuối năm
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng trên dưới 7% hoàn toàn có thể đạt được.
Phân tích về những yếu tố sẽ tác động vào kinh tế 6 tháng cuối năm, TS. Thành đánh giá chương trình phục hồi và giải ngân vốn đầu tư công đều sẽ được đẩy mạnh vào 6 tháng cuối năm vì nửa đầu năm thực hiện rất chậm. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy tăng trưởng nửa cuối năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có chiều hướng xấu đi, cần rất thận trọng. Một trong những động lực tăng trưởng của 6 tháng đầu năm là xuất khẩu thì đang dần chậm lại, nhất là gần đây đơn đặt hàng của một số mặt hàng ít đi do cầu giảm, suy giảm kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát tăng cao cũng như một số đồng tiền chủ chốt do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh sẽ gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề lãi suất, tỷ giá.
“Áp lực lên lãi suất là áp lực tăng, còn với tỷ giá là đồng tiền Việt có thể mất giá”, TS. Thành chỉ ra. Cần có những biện pháp để kìm hãm đà tăng của giá xăng, giữ cho lãi suất không tăng bởi nếu không giữ được mà tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp.
TS. Thành cũng nhấn mạnh rằng, việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng phải quyết liệt vừa gắn với chương trình phục hồi và phải rất khéo léo để không gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Từ năm 2021, cách tính GDP đã được điều chỉnh, với mẫu số cao hơn thì tỷ lệ nợ công/GDP hay tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP sẽ giảm đi, ít nhiều tạo dư địa để điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt hơn một chút.
Tuy nhiên, dù đã có điều chỉnh nhưng tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn thuộc loại cao cho nên vừa phải khéo léo gắn với hỗ trợ tăng trưởng vừa phải gắn với giám sát tài chính để hệ thống này vận hành được tương đối trơn tru trong việc đảm bảo thanh khoản, đảm bảo tín dụng, TS. Thành nhìn nhận.