Doanh nghiệp

Trước khi được công ty taxi của ông Phạm Nhật Vượng đầu tư, Be Group đang chạy đua với các đối thủ Grab, Gojek ra sao?

Công ty taxi điện GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới đây đã công bố đầu tư trực tiếp vào Be Group, nhằm đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải công nghệ đầu tiên tại Việt Nam.

GSM (Green - Smart - Mobility) được Chủ tịch Tập đoàn Vingroup sáng lập với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó ông Vượng nắm giữ 95% tỷ lệ cổ phần. Công ty hoạt động trong hai lĩnh vực chính: taxi điện và cho thuê ô tô, xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.

Be đang cạnh tranh như thế nào với Grab, Gojek?

Be đang có mặt tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Số lượt tải ứng dụng Be cũng đã cán mốc 20 triệu lượt tải. Nửa đầu năm 2019, Be sở hữu thị phần 16% và trở thành hãng gọi xe công nghệ lớn thứ hai tại Việt Nam.

Tuy vậy, đến nửa đầu năm 2020, dù vẫn đứng ở vị trí thứ hai song thị phần của Be dù đã giảm xuống còn 12,4%. Be cùng với Grab và Gojek đã tạo ra một cuộc đua “tam mã” trên thị trường gọi xe công nghệ Việt khi ba ông lớn này chiếm tới gần 99% thị phần.

Trước khi được công ty taxi của ông Phạm Nhật Vượng đầu tư, Be Group đang chạy đua với các đối thủ Grab, Gojek ra sao? - Ảnh 1.

Trước khi nhận được khoản đầu tư từ GSM, hồi tháng 9/2022, Be và Ngân Hàng Deutsche Bank đã tổ chức buổi lễ ký kết và tiếp nhận khoản vay vốn trị giá lên đến 100 triệu USD. Theo Bloomberg , khoản vay có giá trị ít nhất là 60 triệu USD và thậm chí có thể lên tới 100 triệu USD.

Theo Fintechnews, tính đến tháng 12/2018, Be cho biết đã gọi được khoản vốn đầu tư trị giá “vài trăm triệu USD”. Theo DealStreetAsia, Be đang muốn kêu gọi ít nhất 100 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nữa.

Nguồn tiền mới từ GSM và các nhà đầu tư khác nằm trong chiến lược gia tăng tiềm lực của Be trong cuộc chiến giành thị phần với Grab, Gojek, khi mà lợi nhuận của Be vẫn là một bài toán cần tìm lời giải.

Dù tuyên bố không đi theo chiến lược "đốt tiền", tính đến cuối năm 2021, Be Group đang phải gánh khoản lỗ lũy kế hơn 2.466 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng và hai năm tiếp theo lần lượt lỗ 492 tỷ đồng và 384 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2021 là âm 373 tỷ đồng.

Be Group dự báo công ty bắt đầu có lãi góp dương từ quý III/2022. Theo lý thuyết, lãi góp là phần chênh lệch giữa doanh thu và biến phí của sản phẩm, dịch vụ tức chưa tính chi phí đầu tư tài sản cố định.

Công ty cũng cho biết, nửa đầu năm 2022, doanh thu của Be tại thị trường trọng điểm là TP HCM đã tăng gấp hai lần.

Thực tế, cũng tương tự Be, Grab, Gojek đều chưa ghi nhận lợi nhuận taị thị trường Việt Nam mặc dù doanh thu Grab vẫn vượt trội hơn. Tính đến cuối năm 2021, Grab Việt Nam lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng, còn lỗ lũy kế của Gojek Việt Nam cũng đã lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, thị trường gọi xe vốn được coi là cuộc đua “đốt tiền” và kinh doanh có lãi vẫn luôn là bài toán đầy thách thức của các hãng xe, vẫn chưa thể khẳng định ai đang thắng thế.

Xét về các dịch vụ, Be và Grab đều đang phát triển hơn với nhiều dịch vụ được mở ra. Còn nếu như ở Indonesia, Gojek cung cấp khoảng 20 dịch vụ khác nhau thì tại Việt Nam hiện mới có một số dịch vụ cơ bản là GoRide; GoFood; GoSend và GoCar.

Trước khi được công ty taxi của ông Phạm Nhật Vượng đầu tư, Be Group đang chạy đua với các đối thủ Grab, Gojek ra sao? - Ảnh 2.

Về mức độ phủ sóng trên MXH, theo công bố của Hệ thống giám sát Reputa về bảng xếp hạng ngành thương mại điện tử trong năm 2022, trong nhóm ngành Giao thông vận tải, Grab là thương hiệu dẫn đầu Bảng xếp hạng năm 2022, vị trí thứ 2 là Be và theo sau là Gojek.

Trước khi được công ty taxi của ông Phạm Nhật Vượng đầu tư, Be Group đang chạy đua với các đối thủ Grab, Gojek ra sao? - Ảnh 3.

Xu hướng chuyển đổi đội ngũ tài xế xe điện

Từ tháng 7/2021, Grab đã bắt đầu triển khai dịch vụ mới cho phép người dùng gọi xe hybrid hoặc xe điện với mức phí tương tự như gọi xe thông thường tại thị trường Singapore.

Trong báo cáo ESG được phát hành vào tháng 6/2021, Grab cho biết họ đang hướng tới "một tương lai không khí thải carbon" thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng xe điện trong đội ngũ đối tác tài xế, cũng như các chương trình tái trồng rừng.

Theo Reuters, Grab dự kiến triển khai 26.000 xe điện cho tới năm 2025 tại Indonesia.

Gojek cũng đã đặt mục tiêu không tạo ra khí thải carbon dioxide vào năm 2030. Điều này được cụ thể hoá bằng việc Gojek sẽ chuyển đổi tất cả các đội xe của họ sang xe điện.

Tháng 5/2021, Gojek đã triển khai thử nghiệm chương trình xe điện ở Indonesia cùng đối tác công ty nhiên liệu quốc gia Pertamina và Perusahaan Listrik Negara, nhà sản xuất xe scooter Gesits, Viar, NIU Technologies, Honda và các nhà sản xuất xe hơi như Toyota Motor Corp và Mitsubishi Motors Corp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm