Những năm 2008-2010, ông Nguyễn Văn Thứ lúc ấy là sếp một ngân hàng lớn ở TP HCM, đi thực địa tại các vùng quê với doanh nghiệp để thẩm định hợp đồng cho vay. Một lần tình cờ ra miền Trung, ông được người dân kể về sức hút của cây nha đam. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, người trồng phải nhổ bỏ vì các công ty sản xuất ngừng thu mua.
"Nhìn những cây nha đam tươi tốt bị bỏ đi, tôi thấy xót xa nên hình thành ý tưởng chế biến sản phẩm từ chúng để mong người dân có đầu ra ổn định", ông Thứ nói.
Vốn là dân tài chính, ông cẩn trọng dành hai năm thu thập dữ liệu, tìm hiểu thị trường nha đam. Trong một lần đi công tác, trò chuyện với doanh nhân người Nhật, ông phát hiện ra người dân của họ ưa chuộng nha đam. Đầu năm 2011, ông quyết định tay ngang lập công ty riêng (Công ty thực phẩm G.C).
Với số vốn hai tỷ đồng từ tiền dành dụm và vay mượn ngân hàng, ông Thứ thuê nhà xưởng để dựng nhà máy sản xuất nha đam tại Khu công nghiệp Giang Điền (Đồng Nai). Ông chọn Phan Rang (Ninh Thuận) - vùng đất có khí hậu thuận lợi - để phát triển vùng nguyên liệu.
Là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất nha đam thành phẩm, ngay năm đầu, công ty ông đã có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp lớn trong nước như Vinamilk, Nutifood và các hãng nước giải khát.
Ông tiếp tục lên kế hoạch đưa nha đam đi khắp thế giới, trong đó Nhật Bản là thị trường đầu tiên được nhắm đến. Năm 2013, sau khi hoàn tất các quy trình theo tiêu chuẩn Nhật, công ty bắt đầu xuất cả trăm tấn thành phẩm sang thị trường này.
"Khi hàng được xuất đi, tôi mừng lắm. Nhưng ngày vui ngắn chưa tày gang, đối tác báo nha đam bị ngả màu vàng, tỷ lệ hủy khoảng 3%. Họ đòi trả hàng và yêu cầu đền đơn nhưng tôi đã thuyết phục và đưa giải pháp phân loại hàng trong kho", ông Thứ nhớ lại.
Để giải quyết nhanh, ông sang Nhật cùng đối tác phân loại hàng. Nhưng một tuần sau đó, đối tác tiếp tục báo tỷ lệ hàng bị ngả vàng tăng lên mức 5%. Lúc này, ông đành xin nhập lại lô hàng dù xác định sẽ mất trắng hơn nửa tỷ đồng.
Nhận hàng về, ông nghiên cứu lỗi sai, phát hiện quy trình của doanh nghiệp còn nhiều thiếu sót. Sau đó, ông nhờ các chuyên gia Nhật hướng dẫn xây dựng quy trình và chuyển giao các công nghệ cơ bản trong sản xuất nha đam nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường khó tính này.
Thế nhưng, chẳng có con đường nào "trải toàn hoa hồng". Những lần xuất sau vẫn có một số lô bị trả về do có tổ kiến bên ngoài các thùng container. Theo quy định của đối tác Nhật, trong container hàng thực phẩm nếu phát hiện có vật lạ, côn trùng... dù không dính vào sản phẩm, họ vẫn phun khử khuẩn và trả hàng.
Năm 2014, ông quyết định xây nhà máy sản xuất nha đam tại Ninh Thuận với quy trình quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản và khắt khe từng khâu. Trong đó, đối với hàng sản xuất thành phẩm, ông cho lưu kho một tuần để kiểm tra nhiều lần, sau đó đem đi soi chiếu để đảm bảo sản phẩm không có dính bất cứ sinh vật lạ nào. Với container đóng hàng, ông chọn các đối tác uy tín và yêu cầu họ cung cấp các vỏ sạch, chưa từng chở hóa chất hay vật phẩm gây mùi. Trước khi cho đóng hàng, toàn bộ container phải được kiểm tra và phun khử khuẩn sạch sẽ.
Ông cũng mở rộng vùng trồng nguyên liệu bằng cách đến từng nhà dân đặt hàng và hướng dẫn họ trồng nha đam theo quy trình mới, ít bón phân, không phun thuốc, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt năng suất cao.
Thay vì thu hoạch nha đam hàng loạt theo mùa, ông Thứ chọn cách cắt tỉa dần. Lá nào đủ già sẽ thu hoạch trước, cứ như thế nguyên liệu có quanh năm. Nhờ thu hoạch đồng đều và ổn định, nha đam của công ty ông có chất lượng cao về độ giòn, ngọt và dinh dưỡng.
Sau 5 năm thiết lập quy trình sản xuất và vùng nguyên liệu, các đơn hàng xuất đi Nhật, Hàn Quốc của doanh nghiệp này có tỷ lệ gặp rủi ro gần như bằng 0. Nhờ vậy, nha đam của G.C Food ngày càng có nhiều đối tác quốc tế tìm đến đặt hàng. Trong đó, có những đối tác gắn bó với ông cả chục năm và hay gọi ông với cái tên thân mật là "Mr Nha Đam".
Dẫu vậy, khó khăn vẫn bủa vây công ty này khi năng lực sản xuất giới hạn. Bởi đây là sản phẩm ngách nên các công nghệ để phục vụ sản xuất không đại trà. Thậm chí, một vài máy móc trong khâu sản xuất nha đam không có trên thị trường.
Ông Thứ quyết định tuyển dụng đội kỹ sư chế tạo máy để nghiên cứu ra những công nghệ sản xuất phục vụ theo đúng nhu cầu của công ty như máy gọt vỏ, rửa lá, cắt hạt... với công suất gấp 6 lần so với hàng thô sơ ban đầu, giải quyết được áp lực về sản lượng.
Các công nghệ tại nhà máy do doanh nghiệp tự tạo hiện chiếm 50%, đáp ứng hầu hết yêu cầu khắt khe của đối tác. Công nghệ tự động hóa tại nhà máy đã dần giúp công ty giảm áp lực về lao động thời vụ. Nhiều hệ thống tự động hóa tới 70%.
Hiện sản phẩm từ nha đam của G.C Food đã có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới với sản lượng 12.000-15.000 tấn một năm, trở thành doanh nghiệp sản xuất nha đam dẫn đầu thị trường Việt. Tại vùng đất Ninh Thuận, nha đam đang là cây trồng hiệu quả với lợi nhuận bình quân 300-400 triệu đồng một ha.
Ông Thành Lai Chu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Phát cho biết trước đây, vùng đất Ninh Thuận trồng nông sản luôn trong tình trạng "được mùa mất giá" nên người dân tộc Chăm ở đây 80% là hộ nghèo. Vài năm gần đây, khi ông Thứ tới từng hộ dân động viên, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, nông dân đã thoát nghèo. Hiện, hợp tác xã của ông đang trồng hai ha nha đam, mỗi năm cho doanh thu 1-1,4 tỷ đồng.
Sắp tới, hợp tác xã này cùng nhiều đơn vị khác sẽ mở rộng diện tích và kêu gọi thêm nông dân tham gia. "Chúng tôi không còn lo cảnh đổ bỏ hay được mùa mất giá vì sản phẩm làm ra được bao tiêu hết", ông Chu cho hay.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận đánh giá, sự xuất hiện của G.C Food trên vùng đất nắng gió đã làm hồi sinh cây nha đam. Doanh nghiệp này cũng đã giúp cho hàng trăm công nhân, người lao động và các hộ trồng nha đam có nguồn thu nhập ổn định.
Trong chuyến thị sát doanh nghiệp hồi đầu năm, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, G.C Food đang có một mô hình nông nghiệp bài bản. Ông tin với mô hình sản xuất làm chủ vùng nguyên liệu như hiện nay, công ty sẽ giúp tỉnh Ninh Thuận cất cánh.
"Trong nông nghiệp, bài toán đầu ra là quan trọng nhất nhưng đã được doanh nghiệp giải quyết. Để nông sản vươn xa hơn ở thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần bắt tay chặt hơn với nông dân sản xuất nông sản chất lượng cao", Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhìn nhận.
Theo báo cáo của Grand View Research (công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường có trụ sở chính ở Mỹ), tốc độ tăng trưởng của thị trường nha đam trên thế giới giai đoạn 2019-2025 bình quân 7,6% một năm, đạt giá trị 2,67 tỷ USD năm 2025. Sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục gia tăng khi nha đam ngày càng ứng dụng trong nhiều ngành như mỹ phẩm, thuốc.
Ngoài nha đam, G.C Food được khách hàng Nhật Bản đặt mua sản phẩm thạch dừa. Họ cử cả chuyên gia sang công ty để vấn tư vấn sản xuất. Năm 2016, GC Food mở thêm nhà máy Vinacoco (Đồng Nai) chuyên chế biến thạch dừa chất lượng cao với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm một năm.
Với hai trụ cột chính trên, hàng năm công ty này đã thu về hàng trăm tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu công ty này năm 2022 tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 433 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 35 tỷ đồng. Như vậy, mỗi tháng công ty thu gần 3 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động kinh doanh.
Cuối năm ngoái, GC Food đã lên sàn UpCOM với 26 triệu cổ phiếu. Ông Thứ đang nắm giữ 10,4 triệu cổ phiếu GCF, chiếm tỷ lệ 40% vốn điều lệ, trị giá hơn 162 tỷ đồng. Năm 2023, ông kỳ vọng công ty tiếp tục tăng trưởng 20% so với cùng kỳ dù kinh tế thế giới khó khăn.
"Tôi biết làm nông nghiệp chân chính khó khăn sẽ trải dài nhưng nếu biết tạo lợi thế và chọn ngách riêng cho mình đường đi sẽ bớt gập ghềnh", ông Thứ nói.