Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết về ảnh hưởng của việc Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ đến Việt Nam.
Cụ thể về diễn biến giá trị đồng VND khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, BSC cho hay trong lần Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015, lo ngại đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ gây ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp giảm giá trị đồng VND bằng cách tăng biên độ tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2%, kéo theo phạm vi biến động tỷ giá có thể lên cao nhất 22,106 đồng.
Mặc dù đây không phải động thái làm giảm giá đồng tiền trực tiếp, nhưng về bản chất có tác động tương tự do tiền đồng đang giao dịch ở mức trần trong thời gian trước đó.
Đối với lần phá giá nhân dân tệ năm 2019, tỷ giá Việt Nam không có phản ứng giảm theo mà giữ nguyên ở mức ổn định quanh ngưỡng 23,250 suốt cả năm. BSC nhận xét trrong năm 2019, nhờ có trữ lượng ngoại hối ở mức cao và thặng dư thương mại đạt 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm xuất siêu trước đó, tỷ giá VND/USD duy trì ở mức ổn định trong cả năm.
Về diễn biến lạm phát Việt Nam khi Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ, BSC cho hay trong hai lần Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ, lạm phát Việt Nam lần lượt đạt ở mức thấp 0,63% và 2,8%. Thậm chí, lạm phát còn suy giảm so với các năm trước đó, do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc phá giá đồng tiền khiến cho hàng hóa nhập khẩu từ nước này trở nên rẻ hơn so với thời gian trước khi phá giá.
Về diễn biến lãi suất của Việt Nam, trong hai lần Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào tỷ giá thông qua kênh lãi suất. Cụ thể, năm 2015 khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Ngân hàng Nhà nước muốn điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND (nghĩa là điều chỉnh VNĐ giảm giá), theo lẽ thường lãi suất sẽ phải giảm đi. Tuy nhiên, dù đồng VND vẫn được điều chỉnh giảm giá, lãi suất điều hành vẫn giữ nguyên ở mức 6,5%, lãi suất huy động có xu hướng tăng lên.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hạ lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất huy động tăng lên chủ yếu là do ở giai đoạn gần đó, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định.
Ngoài ra, báo cáo còn chỉ ra việc Mỹ hạ bớt hàng rào thuế quan đối với Trung Quốc sẽ làm tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam chậm lại so với giai đoạn đỉnh 2019-2021. BSC cho rằng các nhóm hàng hóa xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là Máy điện và thiết bị điện tử; Máy và thiết bị cơ khí phụ tùng, Quần áo, hàng may mặc, Đồ chơi và thiết bị trò chơi và Đồ nội thất.