Cung đường thử thách mọi tay lái
Khu tự trị Tây Tạng phía tây nam Trung Quốc là nơi thử thách thực sự với những tay lái lão luyện khi sở hữu hàng chục khúc cua tay áo ngoạn mục ở độ cao hàng nghìn mét.
Ấn tượng nhất phải kể tới cung đường có tên “72 khúc cua của sông Nộ Giang”, dọc theo đường cao tốc Tứ Xuyên - Tây Tạng. Con đường khúc khuỷu dài 30km dọc theo tuyến cao tốc, lên từ độ cao 1800m tới độ cao ngoạn mục 4658m.
Từ những khúc cua, du khách có thể chiêm ngưỡng con đường uốn khúc quanh co lượn trên nền của những ngọn núi phủ tuyết.
Tứ Xuyên - Tây Tạng là một trong những con đường nguy hiểm nhất, nằm ở độ cao cao nhất. Do đó, việc lái xe trên cung đường này không phải chuyện đơn giản. Đặc biệt, tuyến đường nằm ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, càng đi càng xảy ra hiện tượng “say độ cao”. Say độ cao có thể biến chứng thành phù phổi hoặc phù não.
Cảnh tượng hùng vĩ và tuyệt mỹ của thiên nhiên là phần thưởng dành cho người dám vượt qua thử thách bản thân.
Vùng đất có những chiếc xe "một đi không trở lại"
Tuy nhiên, điều khiến người ta tò mò về cung đường này đó là có rất nhiều phương tiện bị bỏ hoang dọc đường. Theo trang Sohu, có ít nhất 300 phương tiện bị bỏ hoang trên tuyến Tứ Xuyên-Tây Tạng, bao gồm ô tô con, SUV, xe địa hình, thậm chí cả xe sang.
Trên thực tế, những chiếc xe này đều đã có chủ. Nguyên nhân khiến chúng bị bỏ rơi ở đây chủ yếu là trong quá trình di chuyển gặp phải sạt lở đất hoặc thời tiết khắc nghiệt khiến phương tiện bị hỏng hóc.
Tuyến đường Tứ Xuyên - Tây Tạng nổi tiếng đầy sự kích thích, vừa nguy hiểm vừa thú vị. Trước khi lên đường thì ai cũng háo hức. Nhưng đi được nửa đường thì nhiều người chùn bước. Thậm chí có người không đi được một nửa đã phải quay về. Một số thậm chí bỏ xe lại rồi đi bộ về.
Nguyên nhân rất đơn giản: xe hỏng và đường rất khó đi. Nếu ở một con đường khác, khi xe hỏng, chỉ cần nhờ người dân trong vùng hoặc gọi đội cứu hộ khẩn cấp là được. Nhưng với tuyến Tứ Xuyên - Tây Tạng, xe hỏng là một rắc rối lớn.
Ở đây gần như không có cửa hàng sửa xe, hoặc không đủ gần. Khi tìm được người đến giúp, lúc quay lại thì xe có thể đã bị mất một số bộ phận từ những kẻ trộm cắp hoặc bị động vật phá hoại.
Đống tài sản nằm một chỗ nhưng không ai dám đụng vào
Câu hỏi đặt ra là tại sao dân trong vùng không mang những chiếc xe vô chủ này về nhà sửa lại và sử dụng hay bán đi? Thực tế, những người ở đây có 3 lý do để giải thích cho điều này.
Thứ nhất, chi phí để kéo một chiếc xe hỏng ở đây rất đắt đỏ. Nếu chi phí chỉ như ở những nơi khác, chủ sở hữu đã không buộc phải bỏ xe lại.
Tuyến Tứ Xuyên-Tây Tạng về cơ bản là vùng đất không người, xung quanh hàng chục km có thể không có người sinh sống, nếu phương tiện hỏng hóc, khả năng cao là do thời tiết khắc nghiệt hoặc thiên tai địa chất tác động. Do địa hình đặc biệt, xe cứu hộ khó có thể tiến vào. Dù có vào cũng chỉ có thể đưa người đến khu vực an toàn, việc sửa chữa xe hay ký gửi tại chỗ cũng khó khăn.
Thậm chí, nếu đội cứu hộ có thể đến thì chiếc xe khi kéo được về nhà còn “tàn tạ” hơn cả lúc được phát hiện. Một số người cho rằng những chiếc xe sau khi mang về chỉ đáng giá như sắt vụn, bán vậy thì không đủ bù đắp chi phí bỏ ra.
Thứ hai, xe bị bỏ rơi thường là bị hỏng rất nặng. Chi phí sửa chữa có thể còn tốn kém hơn giá trị thực tế.
Trên thực tế, các nguyên nhân hỏng xe có thể là do xẹp lốp, trượt bánh, chết máy và các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu xe bị hỏng khi thời tiết xấu, có thể bị mưa đá hoặc rơi xuống khe núi khi đường trượt.
Ngoại trừ khung, những chiếc xe này về cơ bản là phế liệu. Không có giá trị để tái chế.Hơn nữa, chủ nhân còn phải trả phí cứu hộ và phí ký gửi.
Lúc này, chủ xe thường sử dụng bảo hiểm coi như phế liệu, quyền sở hữu chiếc xe sẽ thuộc về công ty bảo hiểm. Sau khi cân nhắc những ưu và nhược điểm, công ty bảo hiểm đã bỏ qua những chiếc xe bị bỏ rơi này.
Thứ ba, rất dễ dính đến kiện cáo. Chủ sở hữu đã bỏ xe lại không có nghĩa sẽ không bao giờ quay lại.
Việc lấy những chiếc xe bị bỏ rơi này có thể phạm vào tội trộm cắp. Vì quyền sở hữu của những chiếc xe này hoặc là công ty bảo hiểm hoặc là chủ sở hữu. Ai đó mang chiếc xe về không những phải chịu nhiều chi phí vận chuyển mà còn phải chịu rủi ro về mặt pháp lý.
Vì vậy, người dân địa phương thờ ơ khi nhìn thấy những phương tiện này. Người bản địa còn có câu nói đùa: Đừng bị cám dỗ khi nhìn thấy những chiếc xe này vì bạn có thể sớm hối hận.
Theo Sohu