Những khoản đầu tư mới của khách hàng hiện tại ở đại lục cũng bị giám sát chặt chẽ để ngăn các nhà đầu tư lách chính sách kiểm soát ngoại hối, Reuters dẫn nội dung văn bản mới cho biết.
Biện pháp nhằm hạn chế chảy vốn này được áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại, khiến nhiều người muốn chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Xu hướng này gây sức ép lên đồng nhân dân tệ và buộc chính quyền phải gia tăng nỗ lực ổn định nội tệ.
Đồng nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền mất giá nhiều nhất ở châu Á, mất 5,5% giá trong năm nay khi giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Trung Quốc nhanh chóng mất động lực, trong khi đô la Mỹ mạnh lên do chính sách lãi suất và bất ổn địa - chính trị toàn cầu.
Điều này buộc giới chức Trung Quốc phải áp dụng nhiều biện pháp trong những tháng gần đây để ngăn đồng tệ mất giá hơn nữa.
Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) vừa yêu cầu các hãng môi giới dừng ngừng cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán từ tài khoản bên ngoài cho các nhà đầu tư mới ở đại lục, theo thông báo ngày 28/9 do đơn vị ở Thượng Hải đưa ra.
Các hoạt động bị coi là trái phép gồm môi giới chứng khoán qua biên giới, cho vay chứng khoán, bán quỹ và tư vấn đầu tư.
Không rõ khi nào chỉ thị mới có hiệu lực, nhưng các nguồn tin cho biết họ tin rằng quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Thời hạn cuối tháng 10 được đặt ra để loại bỏ hết những ứng dụng (app) và trang web lôi kéo khách hàng đại lục, trong khi các kênh ngoại tuyến để mở tài khoản cũng sẽ bị đóng cửa.
“Chúng tôi tin rằng mục đích chính của lệnh cấm là hạn chế chảy vốn, nhất là trong bối cảnh áp lực lên đồng nhân dân tệ gia tăng”, Shujin Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu về tài chính và tài sản tại hãng Jefferies, nhận định.
“Từ quan điểm của ngành, tác động với các hãng môi giới có nhiều hoạt động ở bên ngoài sẽ lớn hơn”, Chen nói.
Tổng số 27 công ty môi giới chứng khoán Trung Quốc có niêm yết đã mở chi nhánh ở bên ngoài tính đến cuối năm 2022, theo một nghiên cứu của hãng chứng khoán Hwabao Securities.