Tăng giá như một giải pháp tình thế
Trong cơn thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc, chính quyền các tỉnh đang phê duyệt việc tăng thuế sử dụng điện, hầu hết đều tập trung vào điện cung cấp cho các nhà mấy, một bước đi sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất.
Ít nhất 19 tỉnh của Trung Quốc, bao gồm nhiều vùng trung tâm công nghiệp, đã bị thiếu điện trong những tuần gần đây.
Năng lượng hóa thạch mà chủ yếu là than đang chiếm gần 70% nguyên liệu sản xuất điện của Trung Quốc. Điện năng tiêu thụ từ tháng 1 tới tháng 8 năm nay đã tăng 14% so với cùng kì năm trước. Trung Quốc sở hữu hơn 3000 nhà máy năng lượng hóa thạch với tổng công suất từ 100.000 kW trở lên. Hầu hết đều giảm sút lợi nhuận và tỷ lệ sử dụng.
Một số nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa để "bảo trì", thực chất là để tránh thua lỗ trước tình trạng giá than tăng nhưng giá điện không tăng. Tuy nhiên, chính sách mới đã đảo chiều tình trạng này.
Tỉnh Quảng Đông là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, đã đồng ý tăng vọt biểu giá giờ cao điểm thêm 25% cho điện truyền tải nhà máy quốc doanh tới các nhà máy và các loại hình kinh doanh khác. Giờ cao điểm cho sử dụng điện sản xuất được tính từ 11 giờ sáng cho tới giữa trưa, và từ 3h – 5h chiều trong ngày với mức nhiệt độ 35 độ C trở lên.
Quảng Đông đồng thời cấm sử dụng các bảng hiệu đèn Neon ăn mừng kì nghĩ lễ Quốc Khánh dài ngày được bắt đầu vào 1/10. Những người sử dụng những bảng hiệu Neon cho mục đích khác cũng được yêu cầu rút ngắn thời gian sử dụng.
Giá điện dành cho sản xuất ở tỉnh Chiết Giang sẽ tăng mạnh trong khung giờ cao điểm. Chính quyền Thượng Hải đã cho phép các nhà máy đốt than tăng giá điện cho các khách hàng doanh nghiệp. Ở các tỉnh Quý Châu, An Huy và khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây cũng ban hành chính sách tăng vọt giá điện trong giờ cao điểm.
Ngoài nguyên nhân nhu cầu sản xuất tăng mạnh khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, thì quá trình cắt giảm khí thải carbon của chính phủ cũng là một phần nguyên nhân gây sự thiếu hụt điện. Lãnh đạo các địa phương đang hướng dẫn các doanh nghiệp để giảm thiểu điện năng tiêu thụ để đảm bảo các mục tiêu về môi trường. Vấn đề thiếu hụt năng lượng không thể đơn giản giải quyết bằng cách tăng vọt các biểu giá bán điện.
Khủng hoảng kéo dài đến cuối năm nay?
Hiện nay, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã kêu gọi các tỉnh, bao gồm các trung tâm công nghiệp như Giang Tô, Quảng Đông và Hồ Bắc – giảm các mục tiêu về công suất năng lượng trong nửa đầu năm 2021. Chính quyền địa phương đã gửi thông báo đến các công ty yêu cầu họ cắt giảm lượng điện tiêu thụ.
Tại tỉnh Giang Tô - trung tâm công nghệ của Trung Quốc, một số nhà sản xuất đã được yêu cầu giảm mức sử dụng năng lượng của tháng 9/2021 từ 10% đến 30% so với mức thông thường.
Theo Rintaro Tanaka của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Quảng Đông là nơi tập trung các nhà sản xuất ô tô và điện tử, có ít nhất 180 công ty Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi tình trạng cắt giảm điện.
Phần lớn các công ty sản xuất đều bị ảnh hưởng, bao gồm các nhà cung cấp chính cho các công ty toàn cầu như Apple, Tesla và Microsoft. Nhiều người đang dựa vào hàng tồn kho để duy trì hoạt động sản xuất và xuất xưởng nhằm phục vụ kỳ nghỉ "Tuần lễ vàng" (Golden Week holidays hay còn gọi Tuần lễ Quốc Khánh) tính từ 01/10/2021.
Tuy nhiên, nếu tình trạng tiếp tục kéo dài trong tháng tới, có thể tạo ra sự gián đoạn đáng kể trong một loạt ngành công nghiệp, vì chuỗi cung ứng bị phá vỡ.
Với kịch bản khá lạc quan, JETRO dự kiến cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ kéo dài đến khoảng cuối tháng 10/2021, hoặc thậm chí là đầu tháng 11/2021. Không có gì đảm bảo cho sự gián đoạn cấp điện không tái diễn.