Chiều nay 20-3, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội đã cho 26 bị cáo trong vụ chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) cùng 4 cá nhân, được nói lời sau cùng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên toà
Được nói lời sau cùng, "trùm" lừa đảo Nguyễn Thị Hà Thành cho rằng bị cáo đã bị giam hơn 1.500 ngày. Trong suốt thời gian này, bị cáo đã mong chờ ngày đứng trước HĐXX và bị hại, người liên quan để gửi lời xin lỗi tất cả mọi người. "Tôi thực sự áy náy vì lỗi của mình nên hình phạt thế nào tôi cũng chấp nhận. Mong HĐXX xem xét các bị cáo khác vì họ tin tưởng tôi nên phạm tội" - bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị phạt tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nói.
Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô- VietABank), bật khóc cho biết bị cáo chờ đợi 2 năm rưỡi để kêu oan. Suốt thời gian đó, nhiều lần bị cáo mong có thể ngủ 1 giấc và "sáng sau không dậy nữa".
"Có quá nhiều vấn đề trong việc buộc tội bị cáo, trước tiên là tội lừa đảo, tại tòa Hà Thành nói bị cáo không tham gia, bàn bạc nhưng viện kiểm sát dùng lời khai của những người có quyền lợi đối lập bị cáo để buộc tội, không giám định camera, không làm rõ việc tại sao có chữ ký giả. Nếu không có chữ ký giả, việc phong tỏa tài khoản có xảy ra không?"- bị cáo bị Viện kiểm sát đề nghị án từ 14 - 16 năm tù nói.
Về tội vi phạm hoạt động của ngân hàng, bị cáo Quỳnh Hương cho rằng Viện kiểm sát đã dùng những công văn, văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng buộc tội bị cáo. Các bị cáo khác cùng ký tờ trình nhưng không bị truy tố tội vi phạm vì không tham gia quá trình giải ngân.
"Bị cáo đã không tham gia giải ngân theo quyết định 1251 năm 2017 về phạm vi, chức năng của mình. Tờ trình là có sau khi đã ký hợp đồng tín dụng của các khách hàng, thể hiện có người đồng sở hữu, có tài sản của khách hàng mà lại quy kết vay không tài sản đảm bảo. Các văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng này và bị cáo bị buộc tội bởi những văn bản này" - bị cáo này phân trần.
Được nói lời sau cùng, nhiều bị cáo là cựu nhân viên của các ngân hàng nêu trên đã thừa nhận tội danh và cho rằng đã tin tưởng Nguyễn Thị Hà Thành dẫn tới các hành vi phạm tội. Qua đó, mong HĐXX cho hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Theo cáo trạng, khoảng năm 2016-2018, Thành kinh doanh bị thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của nhiều người, cứ vay của người sau trả cho người trước. Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cả cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Thành còn dẫn được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền với số lượng lớn nên được các ngân hàng này xem là "khách hàng VIP".
Từ tháng 6 đến tháng 11-2018, Thành mất khả năng thanh toán và nhiều lần thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt 433 tỉ đồng từ các ngân hàng NCB, PVcomBank, VietABank và nhiều cá nhân. Trong vụ án này, số vụ lừa đảo tại ngân hàng VietABank lên tới 21 vụ, với số tiền là hơn 273 tỉ đồng.
Dự kiến 9 giờ sáng 24-3, Tòa sẽ tuyên án.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Nội đã đề nghị Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành mức án chung thân; Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank) và Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô) cùng mức án 16-18 năm tù; Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) bị đề nghị 15-17 năm tù. 21 bị cáo khác bị đề nghị từ mức án 30 tháng đến 36 tháng tù treo đến 17 năm tù.