Chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn, người đã có hơn 20 năm trong lĩnh vực tư vấn tài chính và từng đảm nhiệm qua các vị trí lãnh đạo cao cấp của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm như AIA, Prudential và Dai-ichi cho biết, hành vi trục lợi bảo hiểm không chỉ là câu chuyện riêng ở Việt Nam. Mỗi năm, ngành bảo hiểm trên toàn cầu đều phải chịu tổn thất nhất định vì những sự việc tiêu cực này.
Các công ty bảo hiểm hoàn toàn ý thức được chuyện này, thế nhưng họ dường như đang phải "sống chung với lũ".
Theo chuyên gia, thông thường, ở thị trường Việt Nam tồn tại quan niệm không tốt đó là bảo hiểm mua dễ khó đòi. Vì lẽ đó, mà không ít doanh nghiệp bảo hiểm đã cố gắng chứng minh uy tín bằng cách đưa ra các thủ tục đền bù cực kỳ dễ dàng, không cần qua nhiều bước thẩm định. Điều này đã vô tình khiến hoạt động trục lợi diễn ra mạnh mẽ hơn.
Chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn
Thậm chí, đối với nhiều loại bảo hiểm có giá trị không quá lớn công ty còn ủy quyền cho nhân viên phục vụ khách hàng tại các trung tâm tiến hành kiểm tra hồ sơ và chi trả khi có các sự kiện bảo hiểm phát sinh với số tiền đền bù ít. Có thể thấy khá rõ điều này ở nhóm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ viện phí. Đây cũng là nhóm bị lạm dụng và trục lợi nhiều nhất.
"Việc trục lợi kéo dài sẽ dẫn đến việc các công ty bảo hiểm bị lỗ. Từ đó, bảo tức tích lũy của các hợp đồng cũng sẽ bị giảm. Dẫn đến, những người đóng bảo hiểm đầy đủ, trung thực và trung thành thì lại bị thiệt", ông Toàn đánh giá về những hệ lụy của việc trục lợi bảo hiểm.
Việc trục lợi của khách hàng phải có sự tiếp tay từ nhiều bên liên quan. Đôi khi, chính nhân viên tư vấn lại là người thực hiện những hành vi này. Chuyên gia chia sẻ, đã từng có trường hợp nhân viên huy động người nhà tạo ra các hợp đồng ảo để chốt doanh số, nhận thưởng rồi sau đó hủy ngang hợp đồng. Có tình trạng vì quá muốn chốt được một hợp đồng bảo hiểm mà nhân viên không ngần ngại "nới lỏng" khâu thẩm định. Thậm chí có cả trường hợp nhân viên bảo hiểm tự bỏ tiền túi ra để "ứng trước", giảm phí, bớt hoa hồng cho hợp đồng của khách hàng.
Ngăn chặn các hành vi xấu đã khó, việc giải quyết hậu quả cũng như là thu hồi các tài sản bị tổn thất còn khó hơn bởi quá trình truy vết và kiện tụng kéo dài. Các công ty bảo hiểm mặc dù biết tình trạng này song lại chọn xử lý bằng cách tăng các khoản phí thu đối với các hợp đồng bảo hiểm như một cách bù đắp cho những tổn thất có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc này không khác các doanh nghiệp đang "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Chuyên gia đánh giá, để kiểm soát và quản lý được vấn đề liên quan đến trục lợi bảo hiểm là rất khó. Điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm có thể làm là tăng cường đào tạo nhân viên, thắt chặt đầu vào các hồ sơ bảo hiểm và kiểm soát chặt chẽ hơn về đầu ra.
Luật bảo hiểm mới vừa được thông qua được kỳ vọng là sẽ khiến thị trường có nề nếp hơn. Song song với đó các cơ quan chức năng cũng nên xây dựng những án lệ, những cơ chế nhằm đảm bảo sự minh bạch cho thị trường, củng cố niềm tin của người dân vào bảo hiểm.
Về phía các khách hàng, chuyên gia khuyến nghị nên trung thực khai báo hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm. Vì đó là nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi bảo hiểm của khách hàng.