Ngày 26/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 55 thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trước đó, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 119 của Quốc hội còn chậm so với kế hoạch, một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm.
Bối cảnh thực tế hiện nay thành phố cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách mới, nhằm khắc phục những thách thức mới đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới là cần thiết.
Việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra.
Mới đây, tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù mới cho TP Đà Nẵng cũng đề xuất 30 chính sách cụ thể nhằm giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, tạo thuận lợi thu hút đầu tư.
Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành phố được thí điểm tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thí điểm các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, hạ tầng thương mại.
Bộ cũng đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng; cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung. Bên cạnh đó, thành phố cũng được ưu tiên thu hút đầu tư, nhân lực giỏi vào lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; có chính sách đột phá về tiền lương, thu nhập.