Phát biểu trước cổ đông tại phiên họp thường niên năm nay, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) khẳng định nhà băng này đã bước qua một năm kinh doanh 2023 vượt "cơn gió ngược", bền bỉ tiến lên và ghi nhận nhiều dấu ấn tăng trưởng. Một trong thành tích ấn tượng của năm trước là sự phát triển của mảng bán lẻ.
Năm 2023, số lượng khách hàng của TPBank tăng ở mức kỷ lục trên 3,5 triệu, nâng tổng số khách hàng phục vụ vượt mốc 12 triệu khách hàng. Chỉ trong ba năm, ngân hàng đã thu hút thêm hơn 8,6 triệu khách hàng mới, gấp đôi tổng số lượng khách hàng của cả 12 năm trước đó.
Việc tập trung hướng đến khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh có mức thu nhập trung bình cao đã đưa TPBank trở thành ngân hàng hàng đầu trong kiến tạo xu hướng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Nhưng không dừng ở đó, cách định vị lại thị trường này của TPBank còn được hậu thuẫn bằng lợi thế chiến lược công nghệ ngân hàng số "đi trước và đi nhanh", công nghệ chứ không phải chiến lược nào khác, giúp TPBank "chiếm spotlight" khi khách hàng lựa chọn ngân hàng chính để giao dịch.
Theo nghiên cứu gần đây mang tên "Byte-Sized Banking" (Khi ngành ngân hàng được tính theo đơn vị Byte, do Economist Impact Research và Temenos cùng thực hiện), 75% người tham gia khảo sát cho rằng công nghệ và AI sẽ có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực ngân hàng, và hơn 70% tin rằng việc khai thác tiềm năng của AI là yếu tố cốt lõi giúp các ngân hàng tạo ra sự khác biệt quan trọng trong tương lai.
"Việt Nam đang sở hữu vị thế thuận lợi để nắm bắt cơ hội, tận dụng AI để cải thiện trải nghiệm thanh toán cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp", Temenos nhận định.
Đây cũng là những gì TPBank hướng tới. Trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, công nghệ sinh trắc học được áp dụng ngay trong các đầu việc đơn giản nhất, giúp việc tương tác hai chiều của khách hàng với ngân hàng thông qua các sản phẩm ngân hàng số trở nên đơn giản và tinh gọn.
Theo Temenos, các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể định hình lại thị trường cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính bằng cách sử dụng các công nghệ mới, như AI, Big Data để thu hút, tăng cường kết nối với khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Chiến lược này không chỉ được áp dụng với khách hàng mà là một chiến lược công nghệ toàn diện được áp dụng vào hạ tầng, giải pháp, công nghệ, các quy trình vận hành nội bộ. Hơn 90% các hoạt động của TPBank được số hoá, đảm bảo không có hồ sơ, giấy tờ… bản cứng trong các quy trình nghiệp vụ. Điều này cho phép mọi tiến trình, quy trình được tiến hàng nhanh hơn, an toàn hơn rất nhiều cũng như bảo đảm tính toàn vẹn cho dữ liệu. Thành quả của chiến lược này đã tiết kiệm 40% chi phí vận hành và 60% thời gian giao dịch trung bình tại quầy của khách hàng.
Lợi thế về nền tảng công nghệ cũng giúp ngân hàng nhanh chóng thuyết phục được nhóm khách doanh nghiệp bằng các giải pháp tài chính số trọn gói và đồng bộ.
"Đó cũng chính là một trong những yếu tố then chốt để TPBank thúc đẩy các khoản vay dành cho các doanh nghiệp SME, tạo động lực tích cực vào việc tăng trưởng tín dụng của ngân hàng", đại diện ngân hàng cho hay.
Việc số hóa quy trình cấp hạn mức tín dụng tự động dựa trên phân tích dữ liệu để giải ngân cho khách hàng đã tiết kiệm thời gian và tạo ra sự thuận tiện, các khách hàng doanh nghiệp có thể theo dõi giao dịch theo thời gian thực và thực hiện với số lượng lớn.
Nhờ những "KPI được hoàn thành triệt để", hết năm 2023, tổng tài sản TPBank nâng lên hơn 350.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm, tăng 9% so với năm 2022. Cho vay khách hàng vượt mốc 200.000 tỷ đồng, tăng 27%.
Câu chuyện tăng trưởng khách hàng cũng giúp TPBank đạt được các mốc tăng trưởng ấn tượng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng tới 34%, vượt mức 47.000 tỷ đồng, góp phần cho việc tăng trưởng 7% về tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Đây vừa là cơ sở để ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn, vừa minh chứng cho năng lực đảm bảo các giao dịch liên tục và thông suốt, theo đại diện nhà băng.
TPBank cũng tiếp tục chứng minh nền tảng tài chính bền vững, giữ vững vị trí đứng đầu tại Việt Nam năm thứ hai liên tiếp trong danh sách "Ngân hàng vững mạnh nhất châu Á Thái Bình Dương" của The Asian Banker. Cơ sở của vị trí này chính là một hệ thống Quản trị rủi ro chặt chẽ và toàn diện, nâng hiệu quả kinh doanh. TPBank hoàn thành triển khai Basel III, Basel III Reforms theo SA từ rất sớm, tới tháng 5/2023, TPBank tiếp tục triển khai dự án tính vốn theo Basel III dựa trên phương pháp xếp hạng nội bộ (FIRB & AIRB). Dẫn đầu trong việc áp dụng IFRS 9 về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, tăng cường tính minh bạch và chất lượng công bố thông tin. Tỷ lệ CAR của TPBank luôn ở trên mức 12%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu của Basel III là 10,5%, thuộc nhóm cao nhất toàn ngành.
Năm nay, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Để đạt được mục tiêu trên, tổng tài sản dự kiến tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng.
Trước thềm Đại hội, chuyên gia của công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, với những nỗ lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong năm 2023, TPBank sẽ giảm được áp lực đáng kể trích lập trong năm 2024, đây là cơ sở để xác định mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững. Năm 2024, TPBank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở dưới mức 2,5% .