Doanh nghiệp

"Ông lớn" ngành dược lên kế hoạch lãi kỷ lục

Mục tiêu này được nêu tại đại hội đồng cổ đông năm 2024 sáng nay. Imexpharm(IMP) muốn ghi nhận doanh thu 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu đều lần lượt tăng 19% và 12% so với năm trước. Nếu thành công, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp, IMP lập kỷ lục lợi nhuận.

CEO Trần Thị Đào nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ chi tiêu và tăng trưởng của ngành dược cao nhất khu vực với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm dự báo khoảng 10,3% trong giai đoạn 2022-2027, theo IQVIA. Với mô hình bệnh tật tại Việt Nam, kháng sinh vẫn là nhóm thuốc chiếm tỷ trọng cao nhất (12%) trong tổng giá trị thị trường ngành dược và dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng kép khoảng 9,2%.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Imexpharm. Năm ngoái, doanh nghiệp này dẫn đầu thị trường kháng sinh khi chiếm 9% thị phần với doanh số khoảng 2.157 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Trung bình mỗi ngày, họ bán được gần 6 tỷ đồng từ nhóm thuốc này.

Năm nay, công ty sẽ tập trung nguồn lực và năng lực sản xuất ở các nhà máy để duy trì thị phần ở nhóm thuốc này. Sau thời gian đầu tư tiêu chuẩn EU-GMP cho 11 nhà máy, công ty cũng muốn mang sản phẩm thuốc kháng sinh tiếp cận thị trường châu Âu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), Việt Nam đứng thứ 11 trên toàn cầu về tiêu thụ thuốc kháng sinh, 71% sử dụng cho vật nuôi, 28% cho người. Ở cấp tỉnh, trung bình 3/4 số thuốc kháng sinh được kê theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bà Trần Thị Đào - CEO Imexpharm, phát biểu trong phiên họp thường niên sáng 26/4. Ảnh: IMP

Bà Trần Thị Đào - CEO Imexpharm, phát biểu trong phiên họp thường niên sáng 26/4. Ảnh: IMP

Ngoài ra, để có lãi lớn, Imexpharm cũng sẽ tập trung vào kênh ETC (kênh đấu thầu bệnh viện). Bà Đào nói, kênh này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng khi các điểm nghẽn về đấu thầu thuốc cho bệnh viện công được gỡ dần, tỷ lệ mua bảo hiểm y tế của người dân đạt khoảng 93%. Họ đặt mục tiêu có tệp khách hàng ở kênh bệnh viện tăng từ 600 lên 1.000 trong 5 năm tới với chiến lược chính là cạnh tranh về giá.

Imexpharm là doanh nghiệp có doanh thu và thị phần lớn trong ngành dược, bên cạnh Dược Hậu Giang (DHG). IMP được thành lập năm 1977, tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp dược Đồng Tháp, trực thuộc Sở y tế tỉnh này. Sau khi cổ phần hóa, công ty tập trung nguồn lực xây dựng, mở rộng nhà máy và đạt các tiêu chuẩn quốc tế về thuốc, trong đó chủ lực là kháng sinh. IMP hiện có 4 cụm nhà máy, 7 nhà máy và xưởng sản xuất với hơn 300 sản phẩm lưu hành.

Từ giữa năm 2020, doanh nghiệp này được chú ý khi nhận vốn đầu tư từ SK Group - chaebol lớn thứ 3 tại Hàn Quốc. Mới đây, phía SK nâng tỷ lệ sở hữu tại IMP lên 65% cổ phần có quyền biểu quyết. Thương vụ này được cổ đông đồng ý thực hiện mà không cần chào mua công khai.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm