Doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp: Trở lại "đường đua"

TPDN phát hành mới tăng gần 3 lần

Từ đầu năm tới nay, số lượng TPDN phát hành mới tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Tài chính cho biết, lũy kế từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân thị trường TPDN đạt 10.590 tỷ đồng, tăng 62,5% so với bình quân năm trước. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu, 7 tháng đầu năm có 183 đợt phát hành thành công, tổng giá trị huy động 174.000 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2023.

Trái phiếu doanh nghiệp: Trở lại 'đường đua'- Ảnh 1.

Nhóm bất động sản có số lượng phát hành TPDN mới lớn thứ 2. (Ảnh minh họa)

Trong đó, nhóm ngân hàng phát hành lượng TPDN có giá trị lớn nhất, khoảng 96.200 tỷ đồng (lãi suất bình quân khoảng 5,4%/năm, kỳ hạn 4 năm), trong đó Techcombank phát hành trái phiếu trị giá (17.000 tỷ đồng), ACB (12.700 tỷ đồng), MBBank (8.900 tỷ đồng).

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân thị trường TPDN đạt 10.590 tỷ đồng, tăng 62,5% so với bình quân năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, có 183 đợt phát hành thành công, tổng giá trị huy động 174.000 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2023.



Xếp sau là nhóm bất động sản với khối lượng khoảng 32.600 tỷ đồng. Lãi suất của các doanh nghiệp bất động sản vẫn thuộc nhóm cao nhất hiện nay, bình quân lên tới 12%/ năm, kỳ hạn ngắn hơn, khoảng 2,7 năm.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty dữ liệu tài chính FiinGroup nhận định, sau thời gian trầm lắng, thậm chí đi vào khó khăn, thị trường trái phiếu đã “hạ cánh mềm”, nhất là trái phiếu cũ (bất động sản, năng lượng tái tạo). Thị trường bước vào giai đoạn mới, với sự tham gia nhiều hơn của những doanh nghiệp minh bạch, có chất lượng tốt trong đó có trái phiếu hạ tầng, nước, rác thải… Sự xuất hiện của các tổ chức bảo lãnh tham gia vào thị trường trái phiếu đã góp phần cho triển vọng phát triển của thị trường, chậm nhưng chắc, đi vào chiều sâu.

“Chủ trương của Chính phủ đến năm 2030 quy mô thị trường TPDN trên GDP sẽ tăng lên khoảng 25%. Đây là mục tiêu tham vọng và có rất nhiều việc phải làm về chính sách”, ông Thuân nhận định

Sau hơn 1 năm hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào vận hành, bà Vũ Thị Thuý Ngà, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, sở đã tiếp nhận hồ sơ và đưa vào giao dịch 1.146 mã trái phiếu của 301 doanh nghiệp, giá trị gần 832,2 nghìn đồng. Thanh khoản được cải thiện, bình quân đạt 3.704 tỷ đồng/phiên, tập trung chủ yếu vào nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng (38,3%), công ty chứng khoán (gần 32%).

Nhà đầu tư chưa hết rủi ro

Nguồn cung của thị trường TPDN “ấm dần” với những đợt phát hành đa dạng hơn về cơ cấu doanh nghiệp (không chỉ tập trung ở nhóm ngân hàng, bất động sản). Tuy nhiên, ở phía cầu, bên mua trái phiếu vẫn có nguy cơ chịu rủi ro, nhất là nhà đầu tư cá nhân. Luật Chứng khoán năm 2019 và nghị định đã nâng chuẩn điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dù vậy, nhà đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn, cũng không có nghĩa đủ khả năng đánh giá rủi ro của trái phiếu (quy định chỉ xét trên vốn, cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày, không bao gồm tiền vay).

Ông Nguyễn Anh Minh, Phó Trưởng Ban Quản lý đăng ký trái phiếu, Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán VN (VSD) cho biết, hiện nay, việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ cần bản xác nhận của công ty chứng khoán. Điều này vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư mua theo tư vấn của môi giới hay người thân dẫn đến nhiều hệ lụy khi đơn vị phát hành không đảm bảo khả năng trả nợ. Nhà đầu tư cá nhân tất yếu chịu thiệt hại, trong khi doanh nghiệp chỉ quan tâm chào bán được càng nhiều trái phiếu càng tốt, không biết nhà đầu tư có đủ kiến thức, nhận định về doanh nghiệp hay không.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, cần cấp bách điều chỉnh tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp trong Luật Chứng khoán năm 2019. Tiêu chuẩn nhà đầu tư có thể cần xác định không chỉ dựa trên giá trị, thâm niên giao dịch, mà còn xét khả năng hiểu biết của họ về hoạt động doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN đề nghị các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, thông qua nâng cao chất lượng tổ chức phát hành; có giải pháp cơ bản để kiểm soát chất lượng của trái phiếu thông qua đẩy mạnh áp dụng định mức tín nhiệm.

“Xem xét nâng điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ để giảm thiểu việc nhiều doanh nghiệp mới thành lập chưa có hoạt động, hoặc đã thành lập nhưng không có hoạt động có thể phát hành với quy mô gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu”, Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh.

Bà Phương khẳng định, UBCKNN sẽ đẩy mạnh quản lý giám sát đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán có tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường; xử phạt nghiêm các vi phạm của tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng như vi phạm của tổ chức phát hành theo kết quả giám sát của HNX.

Cẩn trọng “bom nợ” trái phiếu chậm trả

Số lượng doanh nghiệp chậm trả trái phiếu đến hạn có dấu hiệu gia tăng. Nửa cuối năm 2024, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn lớn với khoảng 95,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán.

Theo Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS), Tháng 7/2024, có thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc khiến tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp. Tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209.8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.

“Chúng tôi ước tính có khoảng hơn 95,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, nhóm bất động sản hơn 61,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị đáo hạn. Nhóm ngân hàng khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 15% giá trị đáo hạn)”, chuyên gia từ MBS nhận định.

Trước đó, năm 2023, theo báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, có 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị khoảng 83,6 nghìn tỷ đồng.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, rủi ro TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao. Ông Lực dẫn số liệu của VIS Ratings, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Kỳ vọng với đà kinh tế tăng trưởng khá cao năm 2024-2025 và đà phục hồi sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp (nhất là khối niêm yết), rủi ro này sẽ giảm dần.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin nhà đầu tư, tôi cho rằng giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản. Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại.

“Đối với vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ gốc/lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin nhà đầu tư, tôi cho rằng giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản. Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại”, ông Nghĩa kiến nghị.

Q.Nga - V.Linh


Cùng chuyên mục

Đọc thêm