Theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm 2022, tăng mạnh so với cùng giai đoạn năm 2021.
Toàn cảnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Cùng với đó, trong hoạt động phát hành 2021 và các tháng đầu 2022, có nhiều doanh nghiệp phát hành với lãi suất cam kết lên đến 13%/năm.
Tiềm ẩn rủi ro
Cụ thể, 5 doanh nghiệp dẫn đầu lãi suất TPDN đã phát hành là CTCP BĐS Phát Đạt với lô trái phiếu phát hành 1.380 tỷ đồng, CTCP Tiki phát hành 1.000 tỷ đồng, CTCP Hoàng Phú Vương phát hành 4.670 tỷ đồng với lãi suất 12,9%, CTCP Hoa Phú Thịnh phát hành 3.130 tỷ đồng cam kết lãi suất 12,9%, CTCPTập đoàn APEC Group phát hành 43,603 tỷ đồng.
Trong nhóm các doanh nghiệp phát hành lãi suất cao kể trên, ngoại trừ Tiki, tất cả đều là kinh doanh bất động sản (BĐS). Trong đó, nếu như Phát Đạt phát hành với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của bên thứ 3, thì 2 công ty Hoàng Phú Thịnh và Hoa Phú Vương thuộc hệ sinh thái Masterise Group đều là công ty chưa niêm yết, phát hành qua thu xếp của Techcombank với mục đích M&A. APEC Group phát hành hơn 43,6 tỷ không tài sản đảm bảo nhằm bổ sung vốn cho công ty thực hiện đấu giá, mở rộng quỹ đất, ngay sau khi bị phạt vì phát hành trái phiếu chui…
Phải nói rằng các đợt phát hành TPDN nói trên thực tế đều diễn ra trong 2021, do đó trước hết đây là dấu hiệu bất thường đã xuất hiện ở 2021, thời điểm mà mặt bằng lãi suất huy động còn thấp mức “thấp nhất khu vực” và chưa điều chỉnh như hiện nay. Do đó, độ “vênh” của lãi trái phiếu cao với lãi huy động tiền gửi cho thấy doanh nghiệp đã ra sức hút vốn trên thị trường nợ bằng mọi giá. Và dấu hiệu bất thường từ đó, sẽ kéo dài hệ lụy cho năm nay, các năm tới, khi áp lực trả lợi suất cho trái chủ đối với những doanh nghiệp kinh doanh khó khăn nhưng huy động vốn chi phí cao, sẽ dồn kéo từng kỳ. Bên cạnh đó là áp lực đáo hạn nợ trái phiếu, trong khi mà doanh nghiệp không dễ dàng phát hành thêm để đảo nợ như trước đây.
Đánh giá của chính Bộ Tài chính về hoạt động phát hành TPDN năm 2021, nổi cộm là chỉ riêng nhóm BĐS, 20 doanh nghiệp đã có dư nợ huy động 100.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của nhóm doanh nghiệp BĐS chủ yếu là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của chính doanh nghiệp. Điều này tiềm ẩn rủi ro tài sản đảm bảo có thể không đủ để trả nợ gốc và lãi trái phiếu nếu thị trường BĐS khó khăn. Do đó, cần xác định thêm về năng lực tài chính hiện tại của các doanh nghiệp.
Nắn dòng thị trường
Ở thì hiện tại, một dấu hiệu bất thường mới đáng chú ý là sau giai đoạn trầm lắng, hiện TPDN phát hành riêng lẻ đã bắt đầu mạnh bạo chào bán gọi vốn nợ trở lại, phát hành ra công chúng gần như vắng bóng.
Thống kê của VMBA có tới 99,72% đợt phát hành trong quý II/2022 là phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chỉ có duy nhất 1 đợt chào bán ra công chúng. Một số Doanh nghiệp BĐS đã phát hành trở lại nhưng tổng giá trị phát hành vẫn giảm âm so với quý trước. Tăng trưởng khối lượng và giá trị phát hành TPDN hiện nay chỉ thuộc về nhóm ngân hàng cho thấy với khối này, do tín nhiệm của ngành đặc thù, họ vẫn gọi vốn nợ dễ dàng để tăng vốn cấp 2, bổ sung nguồn vốn. Trong khi đó, các khối còn lại vẫn gặp khó khăn nhất định khi trở lại đường đua phát hành. Và 1 số tập đoàn có hệ sinh thái, cơ bản vẫn sẽ để thành viên, công ty con phát hành trái phiếu riêng lẻ khi điều kiện chưa rõ ràng.
Qua đó, có thể thấy phát hành TPDN riêng lẻ hay ra công chúng đều có những đặc thù riêng, doanh nghiệp thì thường sẽ chọn loại hình nào “phù hợp” hơn, “dễ” hơn. Vì vậy, để thị trường không tiếp tục trong vòng xoáy TPDN dưới niêm yết, lỏng lẻo tiêu chí phát hành khối lượng quá lớn, gây rủi ro cao, đã đến lúc cần Dự thảo Sửa đổi Nghị định 153 trở thành văn bản pháp lý chính thức, hướng dẫn và đặt ra khung quy định nhằm định hướng cụ thể cho doanh nghiệp, “nắn” dòng cho thị trường.