Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng ở mức 22.300 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Con số này có thể sẽ cao hơn nếu MB được cấp hạn mức tín dụng bổ sung cao hơn các ngân hàng khác. Trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tín dụng, nhóm phân tích tin rằng MB sẽ có cơ hội vượt lên so với các ngân hàng khác trong vòng 3-5 năm tới.
Rủi ro liên quan đến tín dụng bất động sản và TPDN tương đối cao
Theo SSI, mặc dù rủi ro liên quan đến dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tại MB là tương đối cao, nhưng ngân hàng có thể xoay sở vượt qua được chu kỳ nhiều biến động này và duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định đến năm 2023.
Thời điểm cuối tháng 6, trong số 16.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mà MB đang nắm giữ, có khoảng 9.200 tỷ đồng liên quan đến Novaland với phần lớn tài sản đảm bảo là các dự án tại Biên Hòa, Đồng Nai (Aqua City) và Bà Rịa Vũng Tàu (Hồ Tràm).
Như vậy, trái phiếu Novaland mà MB nắm giữ khác với các trái phiếu Novaland khác, vì tài sản thế chấp của các trái phiếu Novaland khác thường là cổ phiếu của các công ty có liên quan. Ở một mức độ nào đó, nhóm phân tích tin rằng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản của MB đang được đảm bảo bởi tài sản thế chấp tương đối tốt tại thời điểm hiện tại.
MB cho biết 53% (tương đương 8.500 tỷ đồng) trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong ba năm tới. Đối với trái phiếu của doanh nghiệp năng lượng tái tạo, áp lực ngắn hạn thấp hơn khi chỉ có 2,3% (tương đương 491 tỷ đồng) đáo hạn trong ba năm tới.
Đối với trái phiếu của doanh nghiệp năng lượng tái tạo, MB hiện đang nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo lớn bao gồm Trung Nam Group, Tân Hoàn Cầu, Bắc Phương và Tân Hòa Thắng. Trung Nam Group chiếm khoảng 50% tổng công suất năng lượng tái tạo của Việt Nam vào tháng 6 năm 2022.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán cũng cho rằng MB có thể đang chấp nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn do kỳ vọng về khả năng phục hồi của nợ tái cơ cấu. Theo đó, nợ xấu tại ngân hàng mẹ đã liên tục tăng trong hai quý liên tiếp, nhưng MB không tăng trích lập dự phòng, cũng như không xóa nợ xấu trong nửa đầu năm 2022.
Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống còn 271% (từ 349% vào cuối năm 2021). Điều này có thể là do kỳ vọng về sự hồi phục của các khoản vay tái cơ cấu. Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với công ty con MCredit.
Ngân hàng duy nhất có CASA quý II tăng trưởng so với quý trước
Về tiền gửi không kỳ hạn (CASA), CASA của MB cải thiện 0,71 điểm % so với quý trước, lên mức 45,5% chủ yếu do CASA của khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi 7% so với quý trước. Kết quả này đi ngược với xu hướng chung của toàn ngành, khi CASA tại các ngân hàng khác trong phạm vi nghiên cứu của SSI đều giảm.
Các chuyên gia của SSI tin rằng sự sụt giảm CASA của ngành trong quý II/2022 có thể được giải thích bởi hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi, khi đó khoản tiền nhàn rỗi trước đây sẽ được phân bổ lại cho mục đích sản xuất kinh doanh hoặc mua nhà.
Trong hai năm trở lại đây, CASA bán lẻ của MBB dường như tăng lên là nhờ vào việc ngân hàng tích cực thu hút khách hàng mới, theo đó giá trị giao dịch tăng lên. Điều này có thể tiếp tục được duy trì trong 1-2 năm tới, vì ngân hàng vẫn đặt mục tiêu thu hút 2 triệu khách hàng mới mỗi năm.
Tính đến cuối quý II/2022, MBB có 16 triệu khách hàng cá nhân và đặt mục tiêu sẽ đạt 20-25 triệu khách hàng trong vòng 5 năm tới.