Doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng sẽ minh bạch, an toàn hơn. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Trong báo cáo vừa phát hành, FiinRatings nhận định, các chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang tác động đến cả cầu và cung của trái phiếu doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc tổ chức này kỳ vọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi Nghị định 153 (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực chính thức như kế hoạch được thông báo bởi Bộ Tài chính. Mặc dù vậy, sẽ không thể sôi động ngay lại như nửa cuối năm 2021.

Đồng thời, các quy định mới như dự thảo hiện nay nếu đi vào áp dụng sẽ góp phần làm cho các doanh nghiệp niêm yết hoặc các doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa thông tin và hồ sơ tín dụng để hướng đến các nhà đầu tư tổ chức cùng chia sẻ rủi ro và kỳ vọng mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, việc phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vẫn sẽ khó khăn hơn.

Đơn vị này đánh giá, nhu cầu vốn trung và dài hạn hiện nay là rất lớn, không chỉ của các doanh nghiệp bất động sản mà nhiều ngành kinh tế khác nhau trong khi hệ thống tín dụng ngân hàng khó có thể hấp thụ hết do hạn chế về quy mô vốn và các dàng buộc khác nhau về an toàn vốn.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn tăng trưởng dư nợ vay ở mức 25,1% trong 6 tháng đầu năm 2022, đặc biệt với bối cảnh tín dụng bất động sản được kiểm soát rủi ro và các ngân hàng vẫn mua vào trái phiếu doanh nghiệp một cách có chọn lọc.

 

Kỳ vọng gì vào Nghị định 153?

Chia sẻ tại Toạ đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”, diễn ra mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, không nên kỳ vọng vào một văn bản pháp lý (Nghị định 153 sửa đổi) sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh thì các nhà làm luật phải hiểu rằng trái phiếu phát hành ra công chúng là quan trọng nhất. Nếu cứ ồ ạt phát hành riêng lẻ thì thị trường sẽ không thể minh bạch hơn và việc xếp hạng tín nhiệm trở nên vô nghĩa. Lúc này, ai đầu tư lỗ thì phải chịu, không thể trách ai được.

Theo chuyên gia, quy định mới phải làm thế nào để hạn chế tối đa việc phát hành riêng lẻ và mở rộng tối đa việc phát hành ra công chúng.

Muốn được như vậy, ông Nghĩa cho rằng có hai việc cần làm. Thứ nhất là phải quy định hành chính là đối tượng nào, doanh nghiệp nào được phát hành riêng lẻ và không nên chỉ quy định đâu mới là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thứ hai là thủ tục để phát hành trái phiếu ra công chúng phải thật nhanh gọn, minh bạch bởi có trường hợp gửi hồ sơ, phải mất 3 - 6 tháng mới được chấp thuận, thậm chí có trường hợp chờ cả năm không được trả lời.

"Chưa nên cầu toàn vào lúc này. Thời điểm từ nay đến cuối năm chưa phải là thời điểm chúng ta đưa ra được quy định căn cơ, mà đây là thời điểm chống chọi với những nguy cơ trước mắt và khắc phục những nguy cơ có thể gây đổ bể lớn cho hệ thống tài chính. Cần phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp, hoặc phải có một tuyên bố nào đó khi hoàng loạt doanh nghiệp nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý. Giả sử điều này xảy ra thì sao?... Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải tính đến những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho, trong quý III này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định 153 sửa đổi. Nghị định lần này chắc chắn sẽ phải theo hướng thận trọng và chặt chẽ hơn, nhưng quan trọng phải đúng lúc, đúng đối tượng. Liên quan đến nhà đầu tư, rõ ràng phải chuyên nghiệp hơn, tiêu chí phải cao hơn, chủ thể phát hành cũng phải yêu cầu công khai minh bạch hơn, các đơn vị trung gian cũng phải được chuẩn hóa.

Bên cạnh đó, việc mua đi bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng phải rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Liên quan đến việc phát hành ra công chúng, kênh này phải mở rộng hơn, nghĩa là phải dễ dàng hơn, thông thoáng hơn chứ không phải mất quá nhiều quy trình thủ tục để xin phát hành.

"Sửa Nghị định 153 chắc chắn sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhưng song song với đó phải sửa Nghị định 156 liên quan đến chế tài để xử phạt những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, không nên quá kỳ vọng Nghị định này sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề còn tồn tại trên thị trường trái phiếu", ông Lực nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm