Dù thợ đào Bitcoin rải rác khắp thế giới, phần lớn sức mạnh giải các chuỗi khối lại nằm trong các trang trại đào Bitcoin lớn. Giới phân tích chia thợ đào Bitcoin thành ba nhóm chính.
Nhóm đầu tiên là "trại nhốt thỏ" với dưới 10 máy chủ, đa số là thợ đào cá nhân, dễ ẩn náu nhưng khả năng giải toán của nhóm này không cao. Nhóm thứ hai là "trại nhốt ngựa" với quy mô từ 20 đến 2.500 máy chủ, có cả thợ đào cá nhân lẫn các trang trại quy mô lớn. Đặc điểm của nhóm là tốc độ khai thác nhanh nhưng khó phục hồi khi thị trường có biến động.
Nhóm cuối cùng là "trại nhốt voi" với quy mô trên 5.000 máy chủ, gồm những xưởng đào quy mô lớn, quyết định trực tiếp đến chỉ số hashrate của toàn mạng lưới. Dù nắm giữ sức mạnh tính toán lớn, các "trại nhốt voi" lại quá cồng kềnh, không thể ẩn mình khi có biến và chậm di chuyển.
Ví dụ rõ nhất về "trại nhốt voi" là các xưởng Bitcoin quy mô lớn ở Trung Quốc, nơi từng là thiên đường của giới thợ đào. Khi Bắc Kinh ra lệnh cấm khai thác tiền điện tử, những xưởng lớn ở Tứ Xuyên trở thành điểm ngắm đầu tiên của chính quyền. Để tránh những rắc rối pháp lý, các thợ đào phải chuyển hoạt động ra nước ngoài. Việc các "trại nhốt voi" dịch chuyển đã phơi bày điểm yếu mới của mạng lưới Bitcoin.
Điểm yếu mới của Bitcoin
Sau 13 năm xuất hiện, vị thế của Bitcoin ngày một gia tăng và cho thấy có thể trở thành một loại tài sản chính. Nhiều người ủng hộ và tin Bitcoin ngày càng an toàn và khó sụp đổ. Tuy nhiên, khi việc khai thác trở nên phổ biến, Bitcoin cũng để lộ những điểm yếu có thể dự báo về "ngày tàn" của đồng tiền mã hóa này.
Theo SCMP, trong khi các xưởng nhỏ dễ dàng bán thiết bị rồi mua máy đào mới ở quốc gia họ chuyển đến, các xưởng đào lớn không thể làm vậy vì số "trâu cày" quá nhiều. Tính từ tháng 5/2021 đến cuối năm ngoái, ít nhất hai triệu "trâu cày" vẫn còn kẹt lại Trung Quốc.
Đại diện một đơn vị khai thác tiền số của Trung Quốc nói với SCMP, doanh nghiệp với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài phải thương lượng giá điện với nhà cung cấp địa phương. Nói cách khác, hoạt động của "trại nhốt voi" dần bị kiểm soát bởi bên thứ ba - những nhà cung cấp điện. Có nghĩa, mạng lưới hoạt động của Bitcoin ngày càng dễ bị tổn thương. Chỉ cần bất kỳ một thay đổi nhỏ trong chính sách của địa phương cũng có thể tác động đến các "trại nhốt voi" - vốn nắm giữ sức mạnh tính toán của toàn hệ thống.
Kịch bản ác mộng về cuộc tấn công đêm vào Bitcoin
Khi cộng đồng Bitcoin nhận ra mầm mống mới xuất hiện, họ đã lên các kịch bản để chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể ập đến. Một trong số đó là "cuộc tấn công đêm".
Giả thiết được đặt ra là khi các "trại nhốt voi" nắm giữ đến 99% khả năng khai thác Bitcoin. Mặc dù các trại rải rác ở Mỹ, El Salvador, Iceland, Georgia..., các nhà hành pháp có thể bắt tay nhau thực hiện một cuộc tấn công làm tê liệt mạng lưới Bitcoin. Chính quyền địa phương chỉ cần âm thầm cắt nguồn cung năng lượng cho các xưởng đào, các "trại nhốt voi" sẽ buộc phải ngừng hoạt động.
Ban đầu, Satoshi Nakamoto - người được cho là cha đẻ của Bitcoin - xây dựng thời gian xử lý một chuỗi khối trong vòng 10 phút. Nhưng nếu cuộc tấn công diễn ra, thời gian giải một khối sẽ khó hơn gấp 99 lần, tương đương 990 phút (16,5 giờ), đồng nghĩa số lượng giao dịch hàng ngày của hệ sinh thái Bitcoin có thể giảm từ 300.000 xuống còn vài nghìn.
"Rõ ràng khi đó, tâm lý hoảng loạn lập tức càn quét thị trường. Người nắm giữ Bitcoin sẽ tìm cách bán tháo. Các giao dịch, hoạt động trên hệ thống bị ngưng trệ. Vài ngày sau cuộc tấn công đêm, hệ sinh thái Bitcoin sẽ bị suy giảm nghiêm trọng đến mức niềm tin của thế giới vào nó được tạo dựng hơn chục năm qua sẽ bị lung lay và tổn thương đến mức không thể cứu chữa", Bitcoin Magazine dự đoán.
Để tránh kết quả xấu nhất có thể xảy ra, một kịch bản khác được đưa ra. Khi các "trại nhốt voi" bị tấn công, cộng đồng Bitcoin lập tức hành động để cố gắng cứu hệ sinh thái. Động thái đầu tiên là "trại nhốt thỏ và ngựa" sẽ huy động thiết bị phần cứng để lắp ráp máy đào mới, giúp bù đắp 25% khối lượng công việc. Hệ thống mới này có thể xử lý hai khối một ngày thay vì một khối. Sau ba tuần, sức mạnh của mạng sẽ tăng lên trung bình ba khối. Sau chín tháng, "trại nhốt thỏ và ngựa" có thể tăng tỷ lệ hashrate lên hơn bảy lần. Tuy nhiên, trong thị trường tiền số, chín tháng là quá dài để các nhà đầu tư xoay vòng đồng tiền. Khi "trại nhốt thỏ hay ngựa" tăng cường quy mô, họ cũng vô tình trở thành một "trại nhốt voi" và tiếp tục quay lại vòng giả định ban đầu.
Phi tập trung là một trong những trụ cột tạo sự khác biệt của Bitcoin. Để mạng lưới này vẫn phi tập trung, cộng đồng phải liên tục xem xét tất cả khía cạnh của hệ sinh thái để loại bỏ bất kỳ khả năng tập trung nào xảy ra. Nguồn cung năng lượng khai thác cũng không ngoại lệ. Hoạt động khai thác đang tiềm ẩn nhiều mầm mống có thể trở nên tập trung như nguồn năng lượng, quy mô điểm khai thác, nguồn chip...
Giới chuyên gia lo ngại, chỉ vài năm nữa, những biến số về "cuộc tấn công đêm" hay "kịch bản ác mộng" có thể xảy ra và rất khó đảo ngược. Khi đó, cộng đồng Bitcoin phải tăng cường lượng máy móc cho các xưởng đào quy mô nhỏ, hạn chế phụ thuộc vào xưởng quy mô lớn.
(theo Bitcoin Magazine)