Tăng Nguyệt Minh
Sinh năm 1983
- Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giương cờ Tổ quốc ở giải chạy Marathon Bắc Cực 2018
- Founder thương hiệu thời trang MIN.T
- Founder & Owner thương hiệu bánh ngọt COMIN bakehouse
“Tân binh” mới tập chạy 6 tháng được tham dự cuộc thi Marathon ở Bắc Cực
Tháng 8/2017, Tăng Nguyệt Minh mới dấn thân vào hoạt động chạy với xuất phát điểm là một người… sợ chạy. Thông qua một hoạt động chạy từ thiện, chị bén duyên với chạy, dần dà thành hăng say. Có những người đồng hành tốt, người phụ nữ 35 tuổi học được kỹ thuật chuẩn của chạy bộ từ cách đánh tay, cách kiểm soát hơi thở, cách đặt bàn chân tiếp đất… Chỉ 1 tháng sau đó, chị Minh đã mạnh dạn đăng ký thi Marathon ở Sa Pa với hạng mức cao nhất - 42km, dù thành tích không cao, nhưng là tiền đề để chị chính thức bước vào chặng đua mới trong đời.
Giải chạy Marathon ở Bắc Cực vào tháng 4/2018 là cuộc thi thứ 4 chị tham gia - một tân binh điền kinh khi ấy mới có 6 tháng tập luyện không liên tiếp. Giữa hàng trăm ứng viên với thành tích nổi trội, kinh nghiệm chạy lâu năm, doanh nghiệp tài trợ cho VĐV Việt Nam đã lựa chọn chị, sau buổi phỏng vấn về quan điểm sống và ước mơ. “Đối với người bình thường mà nói, Bắc Cực là một nơi lạ lẫm, với tôi thì gần như hoang đường. Chưa bao giờ tôi nghĩ có thể đặt chân đến Bắc Cực, hành trình đó quả là nhờ duyên may”, Tăng Nguyệt Minh cho biết.
Chuyện được tham gia cuộc thi đến việc vượt qua chặng đua Marathon Bắc Cực 2018 (The North Pole Marathon 2018) là một quãng đường gian khổ gấp vạn lần. 64 VĐV tham dự phải vượt qua 10 vòng đua với tổng quãng đường 42km trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt: nhiệt độ dao động từ -10 đến -20 độ C; tuyết trắng loá mắt, lún chân; gió buốt khô cứng mọi giác quan cơ thể.
“Nhiều lần tôi tự nhủ bỏ cuộc vì quá mệt và lạnh. Có lúc tôi chỉ muốn chui vào lều và ngủ ngay lập tức. Tôi đã vừa chạy vừa khóc vì cảm giác mệt mỏi, quá sức với mình. Nhưng rồi tôi nghĩ đến gia đình, bạn bè, những người luôn ủng hộ, về khoảnh khắc chạm đích, về các VĐV khác cũng đang nỗ lực dù khó khăn hơn mình. Tôi vực dậy. Lúc đó tôi nghĩ: Thêm một bước nữa, thêm một bước nữa…, cứ thế từ từ cũng tới đích.
Một chuyến đi đã thay đổi tôi, biến chuyện không thể thành có thể. Chỉ cần mình không bỏ cuộc”, Tăng Nguyệt Minh bộc bạch.
Và câu chuyện cổ tích đã có cái kết đẹp. Cán đích ở vị trí thứ 9 top nữ, vượt qua cả thành tích một số nam vận động viên, Tăng Nguyệt Minh đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giương cờ Tổ quốc ở giải chạy Marathon Bắc Cực. Sau khi trở về từ cuộc thi, Nguyệt Minh tăng cường độ tập luyện chạy, đồng thời tập thêm những bộ môn thể thao khác, tham gia các cuộc thi chạy không luân phiên, trở thành một người truyền cảm hứng thể thao tới cộng đồng. Thời điểm hiện tại, việc tập luyện vẫn được duy trì, song không còn là ưu tiên số 1 trong đời sống của Tăng Nguyệt Minh, vì chị đã tìm thấy đam mê mới: làm bánh nghệ thuật.
Trở về với đam mê nghệ thuật: Công việc chính là hạnh phúc!
Trước khi được biết đến là người truyền cảm hứng trong mảng vận động thể thao, Tăng Nguyệt Minh vốn là con người của nghệ thuật. Chị mê vẽ, mê cảm thụ, thi 2 lần để đậu vào trường Mỹ thuật, nhưng phải bỏ giữa chừng sau 1 năm học vì hoàn cảnh riêng. Nhưng “không học ở đường thì học ở đời”, từ một nhân viên bán hàng, chị tự mở cửa hàng thời trang cho riêng mình, rồi mở được cửa hàng thứ 2. Những năm tháng trẻ tuổi của Tăng Nguyệt Minh dành cho thời trang, nhưng đó chưa phải “bến đỗ” nghệ thuật cuối cùng.
Cho tới khi chị bước vào thế giới của bột đường, bơ sữa, nhưng theo một cách riêng.
“Việc không học được Mỹ thuật, trước tôi thấy tiếc nhưng ngẫm lại đây chưa chắc là một việc không tốt. Vì nếu không, sẽ không có tôi như hiện tại, sẽ không có buổi trò chuyện này và có thể tôi đang ngồi thiết kế brochure trong một công ty nào đó.
Không học ở trường lớp, tôi chuyển sang học từ Internet, học từ cuộc sống, học từ những trải nghiệm, học từ bạn bè… Tôi rất thích câu trích dẫn trong Nhà Giả Kim: Khi bạn thật sự mong muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp bạn đạt được nó”, chị Nguyệt Minh tâm sự.
Một quãng thời gian sau khi tập luyện thể thao hăng say, Nguyệt Minh đã tìm tới trường phái làm bánh tạo hình nghệ thuật - realistic cake. Hiểu đơn thuần, những chiếc bánh được “phù phép” với hình dạng mô phỏng đời thật hoặc trừu tượng. Theo chị Nguyệt Minh, thợ làm bánh tạo hình cần khả năng quan sát và khả năng thực hành tạo mẫu tốt để đáp ứng nhu cầu khách hàng, hoặc đơn thuần là tự sáng tạo theo cảm hứng của chính mình.
Sau 3 năm làm bánh tạo hình nghệ thuật, Tăng Nguyệt Minh sở hữu “bộ sưu tập” những chiếc bánh tạo hình tỉ mẩn dựa trên đồ vật thật, kết hợp các ý tưởng phá lệ. Những tác phẩm của chị từng thu hút hàng chục nghìn tương tác trên mạng xã hội. Xét trên thước đo nghệ thuật, những con số tương tác có thể chưa phản ánh toàn bộ, nhưng đã phần nào chứng minh sự công nhận chị nhận được khi tập trung vào hành trình làm bánh.
Một số tác phẩm nổi bật của Tăng Nguyệt Minh
“Tôi luôn mong muốn làm một công việc khiến bản thân thấy hạnh phúc khi làm, được thoả ý muốn sáng tạo. Khi làm bánh, tôi hoàn toàn đắm chìm trong thế giới đó. Tôi thích ngửi mùi bánh mới ra lò, tôi thích vẽ trên bánh, tôi thích chụp lại từng công đoạn làm bánh để thấy được quá trình biến hoá từ bột đường trứng sữa thành những tác phẩm nghệ thuật. Tuyệt vời hơn nữa khi khách hàng vui vẻ hài lòng với những gì mình tạo ra” - Tăng Nguyệt Minh.
Chạy bộ, làm bánh và kinh doanh có điểm chung gì?
Làm thợ làm bánh và làm chủ tiệm bánh, trong hình dung của Nguyệt Minh thì “khó để nói cái nào hơn cái nào, hiện tại đôi khi tôi kiêm luôn cả việc… giao hàng”. Tiệm bánh của chị còn kinh doanh nhiều loại bánh ngọt, bánh kem khác, nhưng bánh tạo hình nghệ thuật vẫn luôn là điểm sáng. Theo chị, những chiếc bánh realistic còn giúp cho thương hiệu nổi bật hơn giữa thương trường khốc liệt ở TP.HCM.
“Với tôi, những năm qua trong ngành làm bánh vẫn là bước đầu khởi nghiệp, tôi đang học hỏi mỗi ngày. Nếu nói về sự khác biệt của thương hiệu, tôi tự tin vào khả năng sáng tạo, yếu tố thẩm mỹ cao, cùng lúc phối hợp nhiều hình thức trang trí tạo hình khác nhau tạo nên sự đa dạng, theo tới cùng những mẫu bánh khó.
Một trong những đề bài khó nhất tôi thực hiện là chiếc bánh túi Hermes Birkin. Trông đơn giản mà khó cực kỳ. Dáng túi có những tỉ lệ nhất định, cần làm đúng tỉ lệ thì mới đẹp. Sẽ dễ dàng hơn nếu đó là da hay vải, mình còn sửa được. Bánh thì phải đo đạc và tính toán thật kỹ. Sai một ly đi cái bánh.
Bánh hình chiếc túi Hermes Birkin - một trong những đề bài khó nhất với Tăng Nguyệt Minh
Ngoài ra, làm bánh còn giúp tôi cảm nhận được niềm vui khi trở thành một người góp phần tạo ra niềm vui cho khách hàng. Có những câu chuyện thật dễ thương như chàng trai đặt bánh trước 2 tháng để tặng bạn gái nơi phương xa, dặn dò tiệm đủ thứ để tạo bất ngờ. Hay con gái dành tặng mẹ chiếc bánh mà phải lặn lội từ Vũng Tàu để tự tay ship. Thật hãnh diện khi được có mặt trong niềm vui của mọi người”.
Trải qua đủ ngành nghề, sở thích tưởng chừng như “không cùng một thế giới”, Tăng Nguyệt Minh nhìn nhận sâu sắc về điểm chung cũng như sự chuyển giao trong quá trình làm việc:
“Tưởng như không liên quan, nhưng chạy bộ, làm bánh và kinh doanh đều vận hành theo nguyên tắc này: Đó là không bỏ cuộc, sai thì sửa, mệt thì nghỉ một chút rồi tiếp tục, đích đến luôn ở phía trước. Và có lẽ ngành nghề nào cũng vậy.
Mỗi giai đoạn tôi có những cảm xúc và mong muốn khác nhau. Chạy bộ cho tôi hiểu thêm về bản thân, hiểu giới hạn là do mình đặt ra. Làm bánh cho mình cảm giác hạnh phúc được làm công việc trong mơ: được vẽ, được sáng tạo… Tôi xin chia sẻ một trích dân nguyên gốc bản tiếng Anh - châm ngôn tôi luôn tuân theo từ khi chạy bộ tới lúc làm bánh:
If you think you can, you can.
If you think you can’t. You’re Right”.
(Tạm dịch - PV: Nếu bạn nghĩ mình có thể, bạn có thể làm được. Nếu bạn nghĩ bản thân không thể làm được. Bạn đúng rồi đó!)