Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa chủ trì phiên họp thứ 4 của Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và Tổ tư vấn đường sắt đô thị TP HCM.
Trong phiên này, các thành viên Hội đồng tư vấn và tổ chuyên gia đã góp ý về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) kết hợp mô hình phát triển đô thị theo mô hình TOD trên địa bàn.
Xin cơ chế phát hành trái phiếu để làm các tuyến metro, đề xuất thành lập tập đoàn đường sắt đô thị
Đáng chú ý, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cho rằng nhiệm vụ làm 220 km đường sắt đến năm 2035 theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị đối với TP HCM là rất khó khăn, khi trên thực tế tuyến Metro số 1 mất tới 20 năm.
Vị chuyên gia đề xuất cần có tổ hợp đa ngành bởi có nhiều vấn đề nằm ngoài tầm với của Ban Quản lý đường sắt đô thị như quy hoạch, tài chính, quản lý. Đồng thời, thống nhất với đề xuất thành lập tập đoàn đường sắt đô thị và tập đoàn TOD. Tập đoàn này khi thành lập sẽ như một công ty cổ phần, trong đó thành viên sẽ là các sở, ban, ngành tham gia đề án, còn UBND TP HCM là "nhạc trưởng", là cơ quan có cổ phần cao nhất trong Tập đoàn, điều phối nhịp nhàng các sở, ngành.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Minh Khương, thành viên Hội đồng Tư vấn và Tổ tư vấn đường sắt sắt đô thị, cho rằng cần có liên minh hành động gồm các lực lượng tinh nhuệ về đường sắt đô thị của cả nước và đại diện các bộ ngành, TP HCM, Hà Nội, các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế để cùng làm hệ thống metro.
TS Trần Du Lịch cho rằng các ý kiến về tài chính cần làm rõ hơn, dự kiến nguồn ngân sách, huy động từ TOD, các nguồn khác cần làm rõ chi tiết; trong đó khẳng định làm rõ không xin ngân sách Trung ương, mà xin cơ chế TOD, cơ chế phát hành trái phiếu; Đề xuất sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia về đường sắt đô thị, để làm cơ sở thống nhất để thực hiện.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định, không chỉ liên quan đến đường sắt đô thị mà đối với các vấn đề khác, UBND TP đều chỉ đạo tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm.
Đối với đề xuất thành lập Tập đoàn metro và TOD, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định sẽ nghiên cứu thêm vấn đề này, có thể xem xét thêm đề xuất các bên liên quan cần tham gia từ đầu để có sự đồng thuận.
Liên quan đến tài chính thực hiện đề án, ông Mãi khẳng định, TP HCM không xin ngân sách Trung ương, mà xin cơ chế tài chính để TP thực hiện. Việc làm thực hiện thí điểm, dự kiến thí điểm 1-3 năm, khi xong chuẩn bị dự án, bắt tay làm tiếp các gói còn lại, vẫn giữ mốc thời gian năm 2035 theo kết luận 49 để thực hiện dự án. TP có ý thức làm hệ thống đường sắt đô thị quốc gia, theo hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, TP xin cơ chế để hình thành tiêu chuẩn quốc gia.
Về thời gian triển khai, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị trong quý I/2024 sẽ thông qua đề án trình Bộ Chính trị và Quốc hội, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp giữa năm nay.
Mạng lưới 8 tuyến đường sắt đô thị TP HCM
Theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM, tầm nhìn sau năm 2020, thì tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP HCM khoảng 220 km, với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.
Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị Thành phố gồm 8 tuyến và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Như vậy, TP HCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm. Hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP HCM như sau:
Tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7 km với tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng do JICA tài trợ và vốn đối ứng của TP HCM. Tuyến đường sắt số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và TP Dĩ An. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 cũng được nghiên cứu kéo dài tới TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Bình Dương.
Sáng 16/2, tại phiên họp thứ 9 của Ban chỉ đạo Nhà nước, Bộ GTVT cho biết dự án Bến Thành - Suối Tiên sẽ phấn đấu hoàn thành vào tháng 7/2024.
Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương chiều dài khoảng 48 km. Đường sắt Metro số 2 giai đoạn 1 đi qua các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng chiều dài khoảng 11,3 km (9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao). Giai đoạn 1 tổng mức đầu tư khoảng gần 48.000 tỷ đồng.
Tuyến số 3A, 3B Bến Thành - Tân Kiên với tổng chiều dài khoảng 19,8 km. Tuyến này sẽ đi qua Bến Thành – Phạm Ngũ Lão – Ngã 6 Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – depot Tân Kiên – ga Tân Kiên. Tuyến được chia làm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư 68.000 tỷ đồng.
Tuyến số 4 có chiều dài 36,2 km, trong đó 19,9 km đi trên cao và 16,3 km đi ngầm. Hướng tuyến đi từ Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trung - Bến Thành - Nguyễn Thái Học -Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước.
Tuyến số 4b đi từ Ga Công viên Gia Định (tuyến số 4) - Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Công viên Hoàng Văn Thụ - Ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5), chiều dài khoảng 5,2 km.
Tuyến số 5 có chiều dài khoảng 26 km, đi từ bến xe cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn.
Tuyến Metro số 5 giai đoạn 2 cùng với tuyến Metro số 5 - giai đoạn 1 sẽ kết nối với tuyến Metro số 1 và tuyến Metro số 2 tạo thành một hệ thống vận chuyển hành khách trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao nhất thành phố và kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuyến metro số 6 có hướng tuyến đi từ Bà Quẹo tới Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - Vòng xoay Phú Lâm, chiều dài khoảng 5,6 km. Tuyến có tổng 7 ga ngầm và dùng chung depot Tham Lương với tuyến số 2.
Tuyến Metro số 6 sẽ kết nối tuyến số 2 và tuyến số 3A để vận chuyển hành khách từ cửa ngõ các tỉnh miền Tây đi khi Tây Bắc thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất.