TP HCM vừa công bố số thu ngân sách trên địa bàn năm 2022, theo đó, ước vượt 18,4% so với dự toán và tăng 14,8% so với năm 2021.
Với kết quả này, thu ngân sách trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP HCM năm 2022, thể hiện khả năng phục hồi của các doanh nghiệp, nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, hoạt động thu ngân sách Nhà nước được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn thách thức.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế thành phố
Theo Cục Thống kê TP HCM, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 457.510 tỷ đồng trong năm 2022, vượt 18,4% dự toán, tăng 17% so với năm 2021; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 294.500 tỷ đồng, vượt 13,5% dự toán, chiếm 64,4% tổng thu cân đối và tăng 11,3% so với năm 2021; Thu từ dầu thô ước thực hiện 25.000 tỷ đồng, vượt 138,1% dự toán, chiếm 5,5% tổng thu cân đối và tăng 57,4%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 138.000 tỷ đồng, vượt 18,5% dự toán, chiếm 30,2% tổng thu cân đối và tăng 16,8%.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, kết quả thu ngân sách vượt xa dự toán và tăng mạnh là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của thành phố trong năm 2022. Bên cạnh đó, việc thu ngân sách tốt đã góp phần đảm bảo nguồn lực cho thành phố đầu tư hạ tầng giao thông, thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2023.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP HCM đạt kết quả khả quan cũng thể hiện sự tương quan với tình hình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.
Từ mức giảm sâu chưa từng có của năm trước là -5,4% thì đến nay TP HCM đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 9,03%; trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 3,74%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,92%, khu vực thương mại dịch vụ tăng 8,37%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41%.
Đáng chú ý, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 58,7% trong GRDP và chiếm 91,7% trong khu vực dịch vụ. Có 3/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn 9,03%, bao gồm thương nghiệp tăng 10,47%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 47,05% và thông tin truyền thông tăng 9,13%.
Đánh giá về kết quả thu ngân sách thành phố trong năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, sở dĩ kết quả thu ngân sách năm 2022 đạt và vượt dự toán là do ngay từ đầu năm, các ngành và Ủy ban Nhân dân TP HCM đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nhờ đó, chính quyền cùng doanh nghiệp vượt khó, năng động, sáng tạo, đồng lòng chung sức vươn lên nên cuối năm đạt được kết quả vượt hơn dự kiến. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, huy động vốn, tín dụng của các ngân hàng cũng tăng cao, cho thấy “sức khoẻ” và khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Đối mặt với nhiều thách thức lớn
Năm 2023, Trung ương, Hội đồng Nhân dân TP HCM đã giao thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố là 469.375 tỷ đồng, tăng 21,42% so với dự toán năm 2022 và cao hơn ước thực hiện năm 2022 là 2,6%; đồng thời chiếm 26% so với tổng thu ngân sách cả nước. Dù số thu ngân sách được giao trong năm 2023 chỉ tăng nhẹ so với con số ước thực hiện của năm 2022. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ này không phải đơn giản.
Theo ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, số thu ngân sách năm 2023 của thành phố được xây dựng trên cơ sở đánh giá ước thu năm 2022. Trong khi đó, số thu năm 2022 có một số khoản thu phát sinh đột biến như: số thu từ việc doanh nghiệp đánh giá lại tài sản và chuyển nhượng bất động sản góp phần làm tăng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp và số thuế giá trị gia tăng trên địa bàn.
Thêm vào đó, việc giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trong năm 2022, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ tăng, các doanh nghiệp xăng dầu tăng sản lượng bán hàng làm tăng số thu từ dầu. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh, đầu tư tài chính của các nhà đầu tư trên thị trường cũng tăng trưởng tốt, góp phần tăng thu thuế thu nhập cá nhân. Một số đơn vị nộp tiền thuê đất một lần sớm hơn so với quy định... Những thuận lợi này đã giúp kết quả thu ngân sách trên địa bàn trong năm 2022 vượt xa so với dự toán đề ra. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, những yếu tố này có thể không còn là lợi thế.
Hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn. Tăng trưởng kinh tế thành phố cũng được dự báo sẽ chậm dần và thấp hơn so với mức tăng của năm 2022, do tiềm ẩn nguy cơ về đứt gãy đơn hàng, áp lực tăng giá; thế giới vẫn phải đối phó với những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng và an ninh...
Vì vậy, việc hoàn thành và phấn đấu đạt vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước trong năm 2023 được ngành tài chính TP HCM xác định là một thách thức lớn.
Vấn đề khó khăn này cũng được người đứng đầu Ủy ban Nhân dân TP HCM ông Phan Văn Mãi nêu ra tại hội nghị báo cáo kết quả thu chi ngân sách thành phố vừa qua. Theo ông Phan Văn Mãi, trong năm 2023, một số khoản thu được giao thấp hơn kết quả thực hiện trong năm 2022.
Song hoàn cảnh, điều kiện kinh tế-xã hội năm 2023 sẽ khó khăn hơn nên phải xác định trọng tâm, giải pháp sớm, để đảm bảo tăng trưởng phát triển kinh tế-xã hội, từ đó mới có điều kiện để đảm bảo nhiệm vụ thu-chi ngân sách.
Do đó, để thực hiện hiệu quả việc thu chi ngân sách năm 2023, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị cả hệ thống chính trị thành phố yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ đề của mỗi năm, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, phối hợp để tiến hành giải quyết các thủ tục hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để tạo môi trường đầu tư kinh doanh được thông suốt, thuận lợi.
“Đây cũng là những giải pháp hữu hiệu nhất trong việc nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước,” ông Mãi nhấn mạnh.
Về phía ngành tài chính thành phố, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thu, đôn đốc thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước. Cải thiện các giải pháp quản lý thu, tập trung các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thu ngân sách; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế; tăng cường quản lý thuế có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các chuyên đề có rủi ro cao về thuế, hướng đến tuyên truyền việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế... Đồng thời, phối hợp với các sở ngành kiến nghị đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố...