Thời sự

TP HCM sẽ trở thành đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, tăng trưởng GRDP đạt 8,5 - 9%

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1711 phê duyệt Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, TP HCM đặt mục tiêu phát triển thành đô thị toàn cầu, hiện đại, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, khoa học - công nghệ,...

Về kinh tế, TP HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người tại thành phố theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 USD.

Trong đó, tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%. Thành phố hướng tới tỷ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP.

TP HCM đặt mục tiêu trở thành đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, tăng trưởng GRDP đạt 8,5 - 9%. (Ảnh: VOV).

Về phương hướng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, TP HCM sẽ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tây - Bắc, Tây - Nam và khu vực Nam thành phố, tập trung vào các sản phẩm có chất lượng cao, có lợi thế.

Với lâm nghiệp, thành phố sẽ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng phòng hộ Cần Giờ khoảng 200 ha.

Với thuỷ sản, phát triển Trung tâm thủy sản TP HCM tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá. Phát triển diện tích tôm nước lợ khoảng 4.476 ha; nuôi thủy sản trên biển khoảng 1.000 ha; nuôi, nhân giống cá cảnh khoảng 100 ha;...

Về công nghiệp, TP HCM sẽ tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, như: Ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngành hóa chất.

Đồng thời, thành phố sẽ tập trung vào làm chủ công nghệ và phát triển toàn diện hệ sinh thái hỗ trợ; thu hút doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển; hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả thương mại của các ngành công nghiệp hiện hữu gắn với tự động hóa, phát triển bền vững.

Về phương hướng phát triển ngành thương mại, TP HCM sẽ xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của vùng Đông Nam Bộ; phát triển TP HCM trở thành trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm